Phép thử Turing – Bài kiểm tra trình độ AI dành cho máy tính

3505

AI hay trí tuệ nhân tạo là 1 khái niệm không còn xa lạ ở thời đại hiện nay. Trong khoa học máy tính, AI được định nghĩa là trí thông minh mà được thể hiện bằng máy móc. Với AI, máy móc hiện nay có thể làm được rất nhiều thứ như con người, thậm chí nếu chỉ thông qua giao tiếp thông thường, bạn khó có thể xác định đối tượng bạn đang giao tiếp là người thật hay chỉ là 1 chiếc máy tính.

Vậy khi nào 1 máy tính được công nhận là sở hữu trí tuệ nhân tạo AI? Phép thử Turing (Turing Test) ra đời để trả lời cho vấn đề trên. Đây một phương pháp tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo (AI) của máy tính, mục đích của nó là để xác định xem liệu một máy tính có khả năng suy nghĩ như con người không, hay nói cách khác Phép thử Turing là 1 bài kiểm tra trình độ AI dành cho máy tính. Trong bài viết này chúng ta cùng đi tìm hiểu về bài test này nhé.

Phép thử Turing là gì?

Phép thử Turing được đặt theo tên của nhà khoa học người Anh Alan Turing – người đã sáng lập ra phép thử này vào những năm 1950. Ông được 999xem như là cha đẻ của ngành khoa học máy tính và AI, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về ông thì có thể xem thêm phim “The Imitation Game” (Người giải mã) – một bộ phim kể về cuộc đời của ông và việc giải mã hệ thống điện báo của Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ 2.

phép thử turingNguồn: Wikipedia

Mô hình chuẩn của phép thử Turing yêu cầu 3 thiết bị đầu cuối, mỗi thiết bị được tách biệt về mặt vật lý so với 2 thiết bị còn lại: trong đó 1 thiết bị được vận hành bởi máy tính, trong khi 2 thiết bị còn lại được vận hành bởi con người.

Như hình bên thì B và C sẽ con người, A là máy tính. C sẽ là “kẻ thẩm vấn” bằng cách thực hiện một cuộc thảo luận bằng ngôn ngữ tự nhiên với 2 “kẻ bị thẩm vấn” A và B, cả 2 đều cố gắng tỏ ra mình là con người. Nếu “kẻ thẩm vấn” C không thể nhận ra (hay phán đoán sai) A hay B là máy tính thì lúc đó máy tính A được xem là đã vượt qua phép thử về trí tuệ nhân tạo của nó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc máy tính A được trang bị AI đã dần trở thành giống con người vì nó đã đánh lừa được con người thực sự.

Trong 1 khoảng thời gian dài sau đó, phép thử Turing trở thành động lực cơ bản trong lý thuyết và phát triển trí tuệ nhân tạo AI. Tiêu chuẩn đặt ra cho AI vào thời điểm đó là khả năng mô phỏng nhận thức và ra quyết định của con người. 

Khả năng kiểm tra trình độ AI của phép thử Turing

Vào thời điểm khi máy tính bắt đầu thể hiện được khả năng về “tư duy” và “trí tuệ” của mình thì việc định nghĩa trí tuệ nhân tạo gặp khó khăn và những câu hỏi liên quan đến việc đo lường khả năng tư duy của máy tính là điều bất khả thi. Phép thử Turing đã đưa ra cho chúng ta 1 cách thức để trả lời vấn đề trên cũng như 1 bài test để xác định xem máy tính có thực sự có trang bị AI hay không. AI – Trí tuệ nhân tạo ở trong phép thử Turing được hiểu 1 cách khá cơ bản: đấy là khả năng mô phỏng, bắt chước con người. Cũng chính vì sự đơn giản của mình mà phép thử Turing cũng mang khá nhiều nhược điểm và dần cho thấy sự lỗi thời của nó.

  • Yếu tố đầu tiên trong phép thử Turing là việc phản hồi lại những câu hỏi của người “thẩm vấn” một cách “con người nhất” khiến những câu hỏi trong phép thử Turing cần được hạn chế lại. Nói cách khác, máy tính muốn đạt được điểm cao trong bài test Turing thì cần có bộ câu hỏi trước có liên quan đến một lĩnh vực kiến thức hẹp nhất định, và nghiên cứu cho thấy bài test thích hợp sẽ chỉ bao gồm những câu hỏi có dạng Đúng hay sai (Yes/No questions).
  • Trong thực tế thì kết quả của thử nghiệm bị chi phối lớn do khả năng và thái độ của người hỏi. Có rất nhiều người với khả năng phán đoán của mình có thể dễ dàng nhận ra mình đang trò chuyện với 1 cái máy tính; nhưng ngược lại thì cũng có nhiều người rất khó để nhận ra sự khác biệt giữa 2 kẻ “bị thẩm vấn” ở đây.
  • Và điều quan trọng nhất mà khiến phép thử Turing không nhận được sự đồng tình cao trong quá trình phát triển của AI về sau này là tính hữu dụng của nó. Sự “thông minh” được đo lường qua phép thử Turing thể hiện bằng việc so sánh hành vi của máy tính và con người. Trong khi đó hiện nay như chúng ta đều biết, trọng tâm thực sự trong việc phát triển AI là làm thế nào để máy tính và con người tương tác với nhau hiệu quả, đem lại giá trị sử dụng tốt nhất cho con người. Nói đúng hơn thì máy tính không cần giống con người, miễn sao với trí tuệ của chúng có thể giúp đỡ con người 1 cách tốt nhất là được. 

Ứng dụng phép thử Turing hiện nay

Với những nhược điểm của mình thì hiện nay việc một máy tính có thể vượt qua được phép thử Turing hay không đã trở nên không mấy liên quan trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể bắt gặp nhiều phiên bản hay ứng dụng của nó đang được sử dụng rộng rãi hiện nay

  • CAPTCHA / reCAPTCHA

recaptcha

Nguồn: pvm.com.vn

Captcha hay reCaptcha là 1 hệ thống giúp phân biệt được truy cập từ người dùng hay từ những con bot. Có nhiều phương pháp được sử dụng như: nhập text, nhập kí tự trong hình ảnh, lựa chọn hình ảnh có nội dung, … Đây được xem là 1 ứng dụng của phép thử Turing, chỉ khác là lúc này người “thẩm vấn” lại chính là 1 hệ thống máy tính.

  • Chatbot

ứng dung turing trong chatbot

Nguồn: doopage.com

Chatbot cũng có thể được xem là 1 ứng dụng của phép thử Turing. Trong lĩnh vực tư vấn bán hàng, những người tạo ra chatbot mong muốn sự giống con người nhất, đem lại trải nghiệm tốt nhất dành cho khách hàng của mình. Và rõ ràng nếu chúng ta chat với chatbot mà vẫn cứ nghĩ có ai đó đang online ngày đêm trả lời, tận tình tư vấn sản phẩm cho mình thì con chatbot đó hẳn cũng đã vượt qua bài test Turing 1 cách xuất sắc.

Kết bài

Ngày nay khi mà AI đã tạo ra cho con người rất nhiều khái niệm mới, nhiều điều mà con người còn không nghĩ đến thì việc đánh giá trình độ AI bằng con người như phép thử Turing là một điều không có quá nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên không thể phủ nhận được sự đóng góp của nó trong ngành khoa học máy tính trong việc đưa ra khái niệm và đo lường về trí tuệ nhân tạo. Cũng đã có nhiều phiên bản cập nhật của phép thử Turing được đưa ra nhưng điều đó thực sự không quá quan trọng, ý nghĩa lớn nhất của bài test này chính là việc nó đã mở ra nhiều cách cửa cho sự đổi mới trong lĩnh vực AI nói riêng cũng như công nghệ nói chung.

Hy vọng bài viết này mang lại được những kiến thức bổ ích cho các bạn, hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo của mình.

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Xem thêm:

IT job hot cho Top Developer, xem thêm tại TopDev!