ISTQB Advanced Level: Một vài thông tin cần biết và tổng quan về cấu trúc bài thi

7985

Bài viết được sự cho phép của tác giả Tô Thị Vân Anh

Nhân một sự kiện đáng nhớ của mình đã diễn ra hơn nửa năm về trước, đã khá là lâu rồi mà đến bây giờ mới có được chút sức mạnh để đánh bay cơn trì hoãn và cái sự lười đã bén rễ bên trong cơ thể này, để viết về một chủ đề quen thuộc đối với nhiều người theo con đường tester đó là chứng chỉ ISTQB (International Software Testing Qualifications Board).

À thì cái sự kiện đáng nhớ trên của mình ấy mà, thực ra cũng không có gì to tát đâu và đâu đó bạn sẽ phát hiện ra sau khi đọc xong bài viết này nhé! 😀

  15 chứng chỉ "vàng" đáng giá trong ngành lập trình
  7 điểm chung của những người phụ nữ “cân cả thế giới”

Quay lại chủ đề liên quan đến mục đích của bài viết này, mình sẽ tổng hợp một số thông tin liên quan đến việc thi lấy chứng chỉ ISTQB, mình nghĩ là thông tin này sẽ khá là hữu ích dành cho bạn nào đang có ý định tìm hiểu và thi lấy chứng chỉ này đó. Bên cạnh những thông tin đưa ra dưới đây, các bạn có thắc mắc hay ý kiến đóng góp gì thì cũng cứ thoải mái để lại bình luận cho mình ở phần bình luận phía dưới nhé.

Bài viết của mình tập trung vào phần CORE của ISTQB Advanced level bao gồm các Module: TM (Test Management), TA (Test Analyst), TTA (Technical Test Analyst).

1. Nội dung kiến thức trong bài thi

Câu hỏi trong bài thi Advanced level sẽ dựa vào kiến thức có trong các Syllabus tương ứng. Theo thông tin từ trên trang chủ của istqb thì:

  • Với bài thi TA và TTA thì sẽ tham khảo Syllabus TATTA 2019 – có các thông tin được cập nhật, chỉnh sửa.

Ngoài ra còn có một số tài liệu khác nữa có thể tìm kiếm qua Google, hoặc nếu bạn thực sự cần để ôn luyện thì có thể liên hệ cho mình 😀

Để có thể làm tốt được bài thi thì tất nhiên phải nắm được, hiểu được và vận dụng được kiến thức đã được tóm lược trong tài liệu đó để trả lời các câu hỏi trong bài thi. Bài thi bao gồm các câu hỏi bao hàm lượng kiến thức từ nhiều chương kết hợp. Đây là mức độ nâng cao nên tất nhiên câu hỏi sẽ không thể ở mức quá đơn giản được, đúng không nào. Hehe, có một cách khác đó là cày đề và học thuộc đáp án nha các bạn :v nhưng mà đề ở đâu để cày mới là vấn đề =)) thế là lại phải tốn thêm ít chi phí để đi học trung tâm. Hehehe.

Nếu xác định đi lên bằng thực lực thì chính bạn phải biết cách chắt lọc và nắm bắt nội dung kiến thức một cách đầy đủ và khoa học. Vấn đề là làm thế nào, câu trả lời đầu tiên đó là phải chăm chỉ cái đã. ;))

Một thông tin khác, không liên quan đến kiến thức trong bài thi, nhưng mình cũng bổ sung thêm ở đây để các bạn có thể cân nhắc thêm, đó là kinh phí dành cho bài thi này (Lưu ý: chi phí này mình tham khảo năm 10/2020, đơn vị được ủy quyền tổ chức thi là QRS):

  1. Phí đăng ký hồ sơ thi: 3,000,000 VND (Ba triệu đồng). Hồ sơ này đóng 1 lần bao gồm: bằng đại học, chứng chỉ ISTQB Foundation (nếu chưa có thì bạn phải thi để có cái này trước đã nhé), một giấy xác nhận đã làm trong ngành CNTT được tối thiểu 3 năm – đối với người tốt nghiệp đúng chuyên ngành CNTT, và 5 năm đối với người tốt nghiệp ở ngành nghề khác). – Bạn sẽ được hỗ trợ thông tin khi đăng ký thi ở đơn vị được ủy quyền tổ chức thi nhé.
  2. Lệ phí thi cho từng Module, mỗi Module là 4,500,000 VND (Bố triệu rưỡi đồng), nếu bạn thi cả 3 Module thì là 3×4,500,000. Phí này bao gồm việc xuất hóa đơn đỏ nếu bạn có nhu cầu.
  3. Vì thi ở đơn vị ủy quyền nên trung tâm có một loại phí khác nữa là phí chuyển đề thi – phí này là 4,000,000/lần thi cho tất cả những người tham gia thi lần đó, do vậy sẽ tùy vào số người thi mà bạn sẽ cần phải đóng lượng phí tương ứng. Khoản số 3 này mình không chắc ở các đơn vị tổ chức ủy quyền thi khác có giống nhau đâu nhé! 😀

2. Cấu trúc chung của các bài thi

Mỗi module sẽ bao gồm một bộ các câu hỏi theo các chương của Syllabi. Số lượng câu hỏi và độ khó (K-level) sẽ được lựa chọn và phân phối tương ứng dựa theo chương đó. Các câu hỏi có thể có một đáp án hoặc nhiều đáp án đúng. Theo như mình biết được thì hiện giờ các câu hỏi nếu có nhiều hơn 1 đáp án đúng, thì nó sẽ nói rõ yêu cầu là mình cần chọn 2 đáp án hoặc 3 đáp án đúng luôn, khác với trước đây là mình sẽ phải tự xác định số lượng đáp án đúng cho câu hỏi đó.

Điểm số cho một câu hỏi phản ánh độ khó của câu hỏi đó. Một câu hỏi K2 tương ứng với 1 điểm, thông thường thì K3 là 2 điểm và K4 là 3 điểm. Tuy nhiên, một câu hỏi K3 cũng có thể tương ứng với 1, 2 hoặc 3 điểm, một câu hỏi K4 cũng có thể tương ứng với 2 hoặc 3 điểm, tùy thuộc vào sự đánh giá của người ra đề.

Một câu hỏi khó yêu cầu người làm bài phải có sự hiểu biết sâu rộng, đa chiều nhất định, tức là bạn phải biết vận dụng kiến thức lý thuyết để suy luận, xử lý tốt một tình huống cụ thể nào đó chẳng hạn, mà không chỉ đơn thuần hỏi định nghĩa hay những cái có thể tra cứu trong tài liệu được. Và ngược lại với một câu hỏi dễ thì sẽ dễ dàng tìm được câu trả lời hơn.

Thông thường, trung bình một câu hỏi K2 sẽ cần khoảng 2 phút để đọc và trả lời, K3 thì 3 phút và K4 là 4 phút. Và vì đó là con số trung bình theo lý thuyết thế nên có thể có câu hỏi cần nhiều hơn hoặc ít hơn thời gian mong đợi trên kia.

Thời gian cho mỗi bài thi sẽ dựa vào số lượng câu hỏi và K-level của module đó. Nếu người thi không sử dụng ngôn ngữ của bài thi là ngôn ngữ chính thì thời gian đc tăng thêm 25%. Ơ nhưng mà mình đã thi 3 bài thì thời gian vẫn là 180p cho TM và TA và 120p cho TTA. Các bạn yên tâm, nhiều người cùng phòng thi với mình chưa dùng hết nửa thời gian kia đã nộp bài đi về rồi ấy nhé hehe.

Lười kẻ lại bảng nên chụp lại luôn từ file gốc -.-

3. Phân phối câu hỏi trong các bài thi

Với mỗi chương (Chapter), sẽ có các nội dung bài học cụ thể cần phải nắm được trong chương đó gọi là Learning Objective (viết tắt là LO) – mình hiểu nôm na thì đây là phần kiến thức lõi của chương đó – hay mục tiêu bài học cần đạt được của chương, phần này được tóm tắt ở mỗi đầu Chapter (Tham khảo hình phía dưới). Mỗi LO cũng được đánh dấu độ K tương ứng [K1, K2, K3…]. Các câu hỏi trong bài thi sẽ bám sát vào các LO của mỗi chương này:

Một chương sẽ truyền tải tương đối nhiều nội dung kiến thức cần phải nắm được (Lười quá nên cũng chụp lại từ Syllabus cho tiện)

Ví dụ ở Chapter 2 (hình bên trên), có 21 LO, số lượng câu hỏi cho chapter này có tối thiểu 24 câu và tối đa là 25 câu, ta có thể hiểu rằng trong 21 LO này sẽ có LO nào đó có 2 câu hỏi, LO có 1 câu hỏi và có thể có thể có LO không có câu hỏi nào. J Những LO nào mà có dấu (*) có nghĩa là nó thuộc dạng tùy chọn rằng nó mang tính ngẫu nhiên do người ra đề sắp xếp, do đó có thể xuất hiện ở bài thi hoặc không. Miễn sao đảm bảo số câu hỏi tối thiểu và tối đa của chương đó. Có hơi loằng ngoằng một chút nhỉ, nhưng các bạn có thể xem minh họa ở hình dưới đây:

Lại một pha lười nữa nên các bạn chịu khó xem hình mà không có Vietsub nhé!

Chi tiết và đầy đủ hơn các bạn xem hướng dẫn tại đường dẫn hướng dẫn trực tiếp của ISTQB TM 2012 nhé.

Tóm tắt nhanh số lượng câu hỏi theo Chương cho từng Module sẽ như sau:

Bài thi TM:

Tổng điểm của bài thi TM là 115 điểm, điểm đỗ là 75 điểm trở lên.

Chapter Số lượng câu hỏi
Chapter 1 Tối thiểu 13 câu, Tối đa 14 câu.
Chapter 2 Tối thiểu 24 câu, Tối đa 25 câu.
Chapter 3 6 câu hỏi
Chapter 4 4 Câu hỏi
Chapter 5 Tối thiểu 3 câu
Chapter 6 Tối thiểu 3 câu, Tối đa 4 câu.
Chapter 7 Tối thiểu 7 câu hỏi
Tổng số câu hỏi trong bài thi TM 65 câu

Bài thi TA:

Tổng điểm của bài thi TA là 120 điểm, điểm đỗ là 78 điểm trở lên.

Chapter Số lượng câu hỏi
Chapter 1 Tối thiểu 9 câu.
Chapter 2 Tối thiểu 3 câu.
Chapter 3 Tối thiểu 31 câu
Chapter 4 Tối thiểu 4 câu
Chapter 5 Tối thiểu 4 câu, Tối đa 5 câu
Chapter 6 Tối thiểu 4 câu.
Chapter 7 Tối thiểu 1 câu (Có thể có hoặc ko)
Tổng số câu hỏi trong bài thi TA 60 câu

Bài thi TTA:

Tổng điểm của bài thi TTA là 80 điểm, điểm đỗ là 52 điểm trở lên.

Chapter Số lượng câu hỏi
Chapter 1 2 câu hỏi.
Chapter 2 9 câu hỏi.
Chapter 3 7 câu hỏi.
Chapter 4 12 câu hỏi.
Chapter 5 5 câu hỏi.
Chapter 6 10 câu hỏi..
Tổng số câu hỏi trong bài thi TTA 45 câu

Trên đây là cấu trúc bài thi theo tài liệu hướng dẫn 2012. Tuy nhiên, theo cập nhật trên trang chủ ISTQB đã có thay đổi cho cấu trúc bài thi của TA và TTA phiên bản 2019, ở Việt Nam có vẻ như là chưa áp dụng cấu trúc mới này, tại vì hồi mình thi hồi tháng 10/2020 thì đề vẫn theo cấu trúc cũ.

Theo hướng dẫn mới 2019 thì TA sẽ có 40 câu hỏi – với 120 phút làm bài tiêu chuẩn (+25% thời gian với người thi ko sử dụng ngôn ngữ bài thi là ngôn ngữ chính), TTA sẽ có 45 câu hỏi và 120 phút (hoặc +25%) làm bài tiêu chuẩn:

Các bạn có thể xem đầy đủ và chi tiết thông tin bảng phân phối câu hỏi theo Chapter và LO phiên bản 2019 tại đây.

Hoặc xem mình tóm tắt ở hai bảng dưới này cũng được:

Bài thi TA (2019):

Tổng điểm cho bài thi TA này là 80 điểm, điểm đỗ là 52 điểm trở lên

Chapter Số lượng câu hỏi
Chapter 1 6 câu hỏi.
Chapter 2 1 câu hỏi.
Chapter 3 17 câu hỏi.
Chapter 4 11 câu hỏi.
Chapter 5 3 câu hỏi.
Chapter 6 2 câu hỏi..
Tổng số câu hỏi trong bài thi TA 40 câu

Bài thi TTA (2019):

Tổng điểm cho bài thi TTA này là 76 điểm, điểm đỗ là 49 điểm trở lên.

Chapter Số lượng câu hỏi
Chapter 1 2 câu hỏi.
Chapter 2 8 câu hỏi.
Chapter 3 7 câu hỏi.
Chapter 4 13 câu hỏi.
Chapter 5 5 câu hỏi.
Chapter 6 10 câu hỏi.
Tổng số câu hỏi trong bài thi TTA 45 câu

Tóm lại là việc thông tin các câu hỏi được phân bổ trong các chương khá là chi tiết như vậy sẽ giúp cho quá trình ôn tập kiến thức và lên chiến lược học tập của chúng ta được phù hợp hơn. Ví dụ như việc tập trung nỗ lực vào chương có phân phối nhiều câu hỏi nhất để có thể trả lời được đúng nhiều nhất chẳng hạn. Việc rèn luyện thực hành cũng giúp chúng ta khi đọc câu hỏi có thể suy luận ra được rằng câu này thuộc kiến thức của chương nào để vận dụng tương ứng.

4. Thông tin bên lề khác

Thông tin bên lề này là thông tin dựa theo kinh nghiệm và những trải nghiệm của mình trong quá trình ôn luyện và đi thi, xin phép được chia sẻ thêm với các bạn.

Thông thường sẽ có hai hướng chiến lược cho người xác định thi lấy chứng chỉ. Một là tự ộn tập và sau đó đăng ký thi. Hai là đăng ký học một khóa học tại trung tâm ôn luyện nào đó rồi mới thi.

Vậy thì tự ôn tập thì có khả năng thi đỗ được hay không?

Câu trả lời đơn giản lắm, chỉ cần bạn chăm chỉ ôn luyện là được. Hehe. Nói thế ai mà chả nói được. Tuy nhiên, mình lại xin phép chia sẻ ý kiến của mình đó là bạn nên tập hợp được một nhóm những người cùng mục tiêu và ý chí, ngồi lại và ôn tập cùng với nhau sẽ hiệu quả hơn nhiều. Có thể các bạn cùng công ty, hoặc khác công ty. ISTQB Advanced không chỉ có lý thuyết mà còn là những bài tình huống để bạn vận dụng những kiến thức lý thuyết đó để xử lý, trừ trường hợp bạn quá giỏi, quá nhiều kinh nghiệm thực tế rồi thì mình không đề cập ở đây, nhưng trong một nhóm sẽ có nhiều người với những góc nhìn khác nhau sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn đối với một vấn đề hoặc tình huống nào đó, điều này sẽ giúp ích cho quá trình ôn luyện rất nhiều.

Tất nhiên sẽ có lợi thế hơn nhiều nếu bạn có thể thu thập được một ngân hàng câu hỏi ôn tập nào đó, nhưng kiếm ở đâu ra được, đành phải nhờ vào kỹ năng tìm kiếm sử dụng Google và đặc biệt là các mối quan hệ. hehe.

Cách đơn giản hơn là đăng ký đi học trung tâm ôn luyện, họ đã soạn sẵn bài giảng, giáo trình, có người hướng dẫn, người học từ nhiều công ty khác nhau, trình độ và kinh nghiệm khác nhau cũng là một trải nghiệm vô vùng thú vị đấy các bạn, nhiều trung tâm còn cam kết cho bạn học đến khi nào đỗ thì thôi, chỉ có điều lại tốn xèng một chút thôi. 😀 – Một khóa đâu đấy 4-5tr thì phải.

Ôn tập bao nhiêu lâu thì có thể đăng ký thi được một Module?

Điều này tùy thuộc vào khả năng học tập của bạn, bạn mất ít thời gian ôn luyện thì bạn có thể đăng ký thi sớm, tuy nhiên với trường hợp vừa đi làm vừa ôn luyện thì chắc cũng phải cần bỏ ra 2-3 tháng đó. Không nên để thời gian học quá lâu vì có thể nó sẽ rơi vãi đâu đó mất nếu bạn không thường xuyên ôn luyện lại kiến thức.

Có nên thi cùng lúc nhiều Module?

Cái này cũng còn tùy thuộc vào mục đích, định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của từng người. Có người chỉ thi TM, có người thì TM, TA, cũng có những người thi cả ba TM, TA, TTA. 😀 Mình thuộc nhóm thi cả 3 cùng một lúc vì mình thích sưu tầm chứng chỉ và quan trọng là mình cũng có tiền để thi nữa. Haha.

Nhưng câu hỏi là có nên hay không cơ mà nhỉ. Mình chia sẻ một số ý kiến liên quan, còn nên hay không thì do bạn tự quyết định nhé. Ở nội dung kiến thức TM và TA có một vài điểm chung theo đánh giá thì khoảng 60-65% là giống nhau, phần khác nhau là do đặc thù của từng mảng 1 cái là Management (Quản lý), một cái là Analyst (Chuyên môn), thế nên nếu mà bạn xác định chỉ thi TM thì bạn chỉ học chuyên kiến thức của TM, và nếu bạn có dự định thi cả TA thì bạn chỉ cần ôn luyện thêm phần khác của TA tức là khoảng 35-40% lượng kiến thức còn lại thuộc về TA thôi ;)) thế nên nhiều người thường nghĩ là thôi mất công học rồi thì học luôn một thể. Không thi, nhỡ đâu sau này cần lại phải học lại từ đầu thì lại tiếc =)), đấy nhiều người hay nghĩ thế.

Còn TTA, số lượng câu hỏi ít hơn hẳn so với 2 Module trên kia mà lại còn là Technical, nên nhiều người nghĩ là nó sẽ khó hơn và mất thời gian ôn tập hơn, rồi nghĩ là có 2 cái trên kia là ổn rồi. Với lại bỏ ra thêm tận 4 triệu rưỡi nữa thì tốn quá nhỉ, thế là thôi. ;))

Mình thì mình nghĩ mất công học rồi thì học luôn, vất vả luôn một lần cho xong. Có trong tay một lúc 3 cái liền chả vui hơn à. Hehehe, nhưng mà lúc học ôn cũng vất hơn đấy nhé à cả lúc chuyển tiền lệ phí thi cũng buốt ví, lại nhưng nữa là lúc nhận điểm đỗ cả 3 thì thấy nó cũng xứng đáng đấy chứ. >.*

Hi vọng là bài tổng hợp ngắn này có thể giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan về bài thi Advanced này. Theo mình thấy thì hầu như mọi người khi đi học thì ko ai tìm hiểu cái này mấy, cũng có thể là do nó không có trong bài thi nên không cần quan tâm =)) tự tìm hiểu làm chi cho mất thời gian. Ơ hơ buồn thế, mất công viết cả bài dài thế này rồi cơ mà, thân dành cho những những bạn nào mà mới nung nấu ý định thi thôi thì có thể tham khảo bài viết này của mình để hiểu được sơ bộ và sau đó lên kế hoạch học tập cũng sẽ tiết kiệm được chút thời gian đó.

Bài viết gốc được đăng tải tại vananhtooo.wordpress.com

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Việc làm IT hấp dẫn trên TopDev