Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh
Thi thoảng bạn bè tâm sự với mình là cuộc sống nhạt nhẽo quá, đi làm rồi đi về, muốn có gì đó thử thách hơn. Tình yêu cũng thế, lúc nào cũng êm đẹp vui vẻ, không có nhiều đờ ra ma sóng gió như người ta hay như trên phim, chả vui. Khi làm tư vấn hướng nghiệp mình cũng thường gặp những trường hợp chia sẻ về vấn đề tương tự, nhiều bạn làm các công việc ổn định, lương lậu tốt, công ty không có vấn đề gì – mỗi tội thấy hơi nhạt và chán, muốn có gì đó khó và thử thách hơn cho bản thân nên đang cân nhắc tìm việc mới.
Nói chung đã là con người thì phải có tư duy tiến bộ, từ nhỏ chúng ta đã được dạy như vậy. Tiến bộ và thử thách bản thân để bản thân phát triển hơn về tư duy và kiến thức, để không bị tụt lại so với những người xung quanh, để mang thêm về nhiều thành tựu, tiền bạc. Như ai đó đã nói và được trích dẫn rất nhiều trong các lớp học kỹ năng là “không có áp lực, không có kim cương“. (Thật ra mình hay phản biện là áp lực vừa phải thôi chứ áp lực quá thì vỡ nát ra rồi ở đó mà kim cương).
Tuy nhiên, thử thách bản thân không nhất thiết là cứ phải là bỏ cái cũ để tìm và làm cái mới khó hơn, đó là một cách. Còn có những cách khác để thử thách bản thân như:
1/ Quen với sự lặp đi lặp lại mỗi ngày của một điều gì đó đang ổn hay một thói quen tốt.
Có những thói quen tốt và sự việc tốt, chúng ta biết rõ là tốt nhưng vì nó cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày nên chúng ta chán. Tập thể dục mỗi ngày là tốt nhưng lặp đi lặp lại mỗi ngày thì chán. Ngồi thiền trong im lặng 20-30 phút thì tốt, nhưng như vậy thì cảm giác ngứa ngáy khó chịu lắm. Tình yêu êm đềm như mặt nước hồ bình lặng thì tốt, nhưng ta cứ thích tạo chút sóng gió như biển nhìn cho nó đã. Tâm lý con người nó hay ho vậy đấy.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mọi thứ thay đổi nhanh, thông tin trên mạng cũng thay đổi nhanh – cứ 5 phút lại có một tin tức ‘hot’ mới. Điều này làm cho vô thức chúng ta quen với sự thay đổi nhanh, nên nếu mọi thứ cứ bình thường không có thay đổi thì không có chịu được. Chính vì vậy, một thử thách bạn có thể luyện cho bản thân là duy trì những thói quen tốt hay sự việc tốt mà không cần thay đổi nhiều.
Hôm nay bạn hứng lên học tiếng Anh, ngày mai hứng lên đi tập gym, ngày kia hứng lên làm Podcast – không bằng việc bạn chọn làm một việc và duy trì việc đó suốt nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Cảm giác làm một việc lặp đi lặp lại mỗi ngày nó chán vô cùng, nhưng vượt qua được sự chán đó cũng là một thử thách hay ho đó chứ.
Bản thân mình đã vượt qua sự chán trên và luyện thành công nhiều thói quen tốt cho bản thân như: ngồi thiền ít nhất 5 phút mỗi ngày, vận động 30 phút mỗi ngày, học ngoại ngữ trên Elsa và Duolingo mỗi ngày.
2/ Cải thiện những gì mình đang làm để nhanh hơn, có quy trình hơn, tự động hoá tốt hơn.
Nếu công việc bạn đã làm quen tay và cảm thấy chán, thay vì nghĩ theo hướng nghỉ công việc này để tìm công việc mới, hãy thử tư duy sang một hướng khác đó là cải thiện những gì mình đang làm xem sao. Có những cách cải thiện đó là:
- Làm sao để những công việc mình đang làm có thể làm nhanh hơn? Ví dụ nếu mình vừa viết bài này vừa lướt Facebook hoặc trả lời tin nhắn, có thể tốn khoảng 2-3 tiếng vẫn chưa xong. Để có thể viết bài này xong trong vòng dưới 1 tiếng, mình nên tập thói quen ngắt kết nối tạm thời với các thể loại tin nhắn, kiếm một không gian viết lách để không ai làm phiền, từ đó tập trung tối đa cho việc này. Còn bạn, có cách nào bạn làm cho công việc của mình nhanh hơn không?
- Làm sao để mình có quy trình cho công việc mình đang làm? Hãy tưởng tượng nếu một ngày bạn không làm công việc của bạn nữa, bạn nghỉ hoặc lên chức cao hơn và có một người thay thế – đã có quy trình nào để người đó tham khảo và có thể học nhanh nhất các việc mà bạn đang làm chưa?
Ví dụ, một công việc của mình là tư vấn CV, mình có viết rõ ra văn bản các bước từ việc khi nhận đăng ký của khách hàng thì gửi email thế nào, khi tư vấn cần tư vấn các mục nào, gửi email chăm sóc khách hàng ra sao – như vậy nếu có một bạn muốn học việc chỉ cần đọc những quy trình đó có thể làm theo được. Xây dựng quy trình rõ ràng là sự khác biệt của một công ty nhỏ và một công ty to. Vì công ty to có quy trình rõ ràng đầy đủ nên bạn thấy rằng không nhân sự nào là không thể thay thế đúng không? Còn bạn, những việc bạn làm đã có quy trình rõ ràng chưa?
- Làm sao ứng dụng công nghệ vào công việc mình đang làm? Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, mọi thứ đều có thể công nghệ hoá một phần hoặc toàn phần. Ứng dụng công nghệ có thể giúp bạn tăng hiệu suất làm việc, giảm tải khối lượng công việc. Thử suy nghĩ xem với những đầu việc mình đang làm hiện tại, mình có thể ứng dụng được công nghệ vào công đoạn nào hay không?
Ví dụ mình là một người làm nhân viên kinh doanh hiện tại chỉ đang ghi chép danh sách khách hàng trong điện thoại, vậy mình có thể ứng dụng công nghệ bằng việc tìm một vài mẫu CRM để điền thông tin khách hàng và tự động hoá việc gửi mail hỏi thăm chăm sóc khách hàng được hay không. Một ví dụ khác, trước đây công việc tư vấn và giảng dạy của mình là làm trực tiếp, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, mình đã chuyển đổi các bài giảng sang hình thức online, các công cụ dạy và tư vấn cũng chuyển sang online – từ đó tiếp cận được nhiều người hơn. Đó cũng là một thử thách mình có thể đem đến cho bản thân mình.
3/ Dạy lại những gì mình đang biết với người khác một cách dễ hiểu.
Nếu bạn đã rất giỏi công việc mình đang làm rồi và thấy không còn nhiều thứ để cải thiện thêm nữa, một thử thách bạn có thể mang đến cho bản thân là dạy lại những gì mình đang biết cho người khác. Có nhiều kiểu dạy lắm nhé: mentor cho một nhân viên trong công ty hoặc ngoài công ty về lĩnh vực bạn giỏi, đào tạo cho thế hệ đàn em hoặc các em thực tập sinh trong công ty, đăng ký làm giảng viên thỉnh giảng tại các trường đại học hoặc các trung tâm đào tạo, đăng ký trở thành diễn giả chia sẻ tại các chương trình kỹ năng, hoặc tự mở lớp dạy về một thứ gì đó mình giỏi.
Không phải người chuyên môn giỏi là cứ dạy giỏi đâu nhé. Ngoài chuyên môn, người dạy hay cần có kỹ năng sư phạm, giọng nói truyền đạt hay, điều phối đám đông, sử dụng các công cụ giảng dạy – nói chung là rất nhiều cái mới mẻ, tha hồ mà thử thách cho bạn.
4/ Học một thứ gì đó mới mình chưa từng học bao giờ, ứng dụng nó vào việc mình đang làm.
Điều cuối cùng để thử thách bản thân là học một thứ gì đó mà lâu nay bản thân vẫn cự tuyệt nó vì nhiều lý do. Một thứ gì đó nằm ngoài vùng an toàn của bản thân nhưng bạn thấy nó có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sống hoặc công việc.
Ví dụ, mình là dân xã hội viết lách, mình đã và đang học các kiến thức về tài chính – thực sự là rất khó khăn với mình, nhưng mình thấy nó có ích. Ngược lại, có những người bạn của mình dân tài chính, kế toán – lại đang thử học cách làm thương hiệu cá nhân, cách viết lách, cách làm Podcast – mình tin những việc đó cũng rất khó khăn với các bạn, nhưng đáng để làm đúng không?
Học xong là một việc, hãy nâng mức độ thử thách lên bằng cách ứng dụng thứ đã học đó vào công việc hiện tại mình đang làm. Ví dụ, mình làm hướng nghiệp và học về tài chính, mình ứng dụng bằng cách chia sẻ thêm các nội dung liên quan đến tài chính trong các buổi hướng nghiệp. Còn bạn, có thể ứng dụng gì được không?
Chốt lại là, có rất nhiều cách để bạn thử thách bản thân. Hãy chọn cách nào đó bạn cảm thấy ưng ý nhất và phù hợp nhất ở thời điểm này nhé.
Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com
Xem thêm:
- Làm thế nào để trở thành một lập trình viên điềm tĩnh hơn?
- Gợi ý 5 cách giúp bạn có cảm hứng hơn khi làm việc
- Nhảy việc thất bại, có nên quay lại công ty cũ làm việc?
Xem thêm IT Jobs for Developer trên TopDev