WiFi 6 là gì? Ưu điểm nổi bật của WiFi 6 so với thế hệ trước

1189

Bài viết được sự cho phép của blogchiasekienthuc.com

Wi-Fi 6 (hay còn gọi là WiFi thế hệ thứ 6) là một khái niệm đã quá quen thuộc với những người yêu thích công nghệ rồi. Vậy bạn đã hiểu gì về Wi-Fi 6 rồi?

Nếu như bạn đang tìm kiếm một bài viết giải thích ngắn gọn và dễ hiểu nhất về Wi-Fi 6 thì mời các bạn tham khảo bài viết bên dưới đây.

  Dùng MicroPython với wifi board ESP-8266
  Các ưu nhược điểm của Swift so với Objective C

Trong bài viết này mình sẽ tổng hợp lại những nét đặc trưng và những ưu điểm nổi bật của Wi-Fi 6, để các bạn có cái nhìn tổng quát nhất.

tim-hieu-ve-mang-wi-fi-6

I. Lịch sử phát triển WiFi?

Okay, trước tiên thì mình sẽ nói qua một chút về lịch sử ra đời các phiên bản Wi-Fi trước đã:

  • WiFi thế hệ 1: Được phát triển vào năm 1997 với chuẩn 802.11
  • WiFi thế hệ 2: Được ra đời 2 năm sau đó, tức là vào năm 1999 với chuẩn 802.11b
  • WiFi thế hệ thứ 3: Được ra đời vào năm 2003 với chuẩn 802.11 a/g (chuẩn a và chuẩn g ra đời).
  • WiFi thế hệ thứ 4: Được ra đời vào năm 2007 với chuẩn 802.11n (chuẩn n ra đời).

WiFi 4 được sinh ra để giải quyết vấn đề về tốc độ (HT – Hight Throughput hay còn gọi là tốc độ cao). Chuẩn  n này có thể đạt tốc độ tối đa là 600 Mbps

  • WiFi thế hệ thứ 5: Được ra đời vào năm 2012 với chuẩn 802.11ac (chuẩn ac ra đời). Và tiếp tục, vào năm 2015 một phiên bản cải tiến của chuẩn ac ra đời ( 802.11ac Wave 2).

Vâng, và chuẩn ac được ra đời cũng là để cải tiến tốc độ (VHT – Very Hight Throughput hay còn gọi là tố độ rất cao). Và chuẩn ac này có thể đạt tốc độ tối đa là 6Gbps

  • WiFi thế hệ thứ 6: Đây là chuẩn Wi-Fi mới nhất hiện nay (chuẩn 802.11ax). Tốc độ của WiFi 6 lên đến 10 Gbps, và nó có thể đạt được 12 Gbps với điều kiện ở trong phạm vi ngắn và với tần số sóng không dây cao nhất.

Có thể nói, với người dùng phổ thông thì ít ai mà có thể sử dụng được tối đa của tốc độ WiFi 5, vậy thì WiFi 6 được phát triển ra là với mục đích gì?

Vâng, chuẩn ax được phát triển ngoài mục đích là để nâng cao tốc độ hơn nữa thì nó còn để giải quyết vấn đề về sô lượng user (người dùng) và giảm độ nhiễm, chồng chéo sóng. Nói một cách ngắn gọn thì WiFi 6 được phát triển với mục đích mang lại HIỆU QUẢ CAO TRONG VIỆC TRUYỀN DỮ LIỆU (HE – Hight Efficiency)

=> Như vậy thì các bạn có thể thấy, sự khác nhau trong việc đặt tên cho các thế hệ Wi-Fi là ở phần tên phía sau, như là b, a/g, n, ac, ax…

Nhưng sẽ thật khó nhớ khi chúng ta cứ phải gọi chuẩn ac hay ax.. đúng không. Mà để đơn giản hóa vấn đề, thì những cái tên như Wi-Fi 5, Wi-Fi 6 nên được sử dụng.

II. Những ưu điểm nổi bật của WiFi 6?

#1. Hoạt động trên cả 2 băng tần 2.4GHz và 5GHz

Như các bạn đã biết, Router băng tần kép hiện nay thường hoạt động trên phổ tần là 2.4GHz và 5GHz, và các phổ này phân bổ theo bộ kênh với độ rộng 20MHz.

Wi-Fi 6 ra đời hoạt động trên cả 2 băng tần 2.4GHz và 5GHz. Ngoài ra thì nó cũng tương thích hoàn toàn với các thiết bị chỉ hỗ trợ một băng tần 2.4GHz

Điều này là vô cùng cần thiết, bởi vì đa số các thiết bị hiện nay đều chạy trên băng tần 2.4 GHz. Nói tóm lại là Wi-Fi 6 có khả năng tương thích tốt với các thiết bị cũ.

#2. Sử dụng OFDMA

Nếu như Wi-Fi 3, 4 hay là Wi-Fi 5 sử dụng OFDM thì Wi-Fi 6 lại sử dụng OFDMA.

Vậy OFDM khác gì so với OFDMA? Vâng, với OFDM khi bạn cấu hình các kênh như 20MHz, 40 MHz… thì lúc này OFDM sẽ sử dụng toàn bộ 20MHz, 40 MHz… đó cho 1 user, user này xong thì sẽ đến lượt các user khác.

Còn với OFDMA thì khác hoàn toàn, với 20MHz, 40 MHz… đó thì nó sẽ chia sẻ ra cho nhiều người cùng một lúc trên băng thông 20MHz, 40 MHz… đó.

Các bạn có thể hình dung đơn giản là OFDM được ví như là con đường chỉ có 1 làn đường, còn OFDMA là một con đường nhiều làn vậy.so-sanh-OFDM-va-OFDMA

Giải thích theo góc độ kỹ thuật thì:

Wi-Fi 6 sẽ thực hiện phân bổ các kênh 20 MHz này ra thành 256 kênh nhỏ hơn (một con số lớn hơn rất nhiều so với 64 kênh trước kia).

=> Điều này không chỉ giúp cho Wi-Fi 6 gia tăng về mặt số lượng kênh đơn thuần, mà còn sửa đổi các kết nối dữ liệu trong những kênh được tăng thêm.

Từ đó mà Wi-Fi 6 có thể chạy được nhiều luồng cùng một lúc hơn, và nó hoạt động tốt hơn, ổn định hơn khi có nhiều người truy cập.

__

Ngoài ra, ở trong phiên bản trước (tức là Wi-Fi thế hệ 5) thì chỉ có 256 Quadrature Amplitude Modulation (QAM), nhưng trên Wi-Fi 6 thì đã được nâng cấp lên tới 1024 QAM.

=> Điều này giúp cho Wi-Fi 6 có thể phát sóng 8 luồng cùng một lúc, hiểu đơn giản thì nó có thể xử lý lưu lượng truy cập của 8 người cùng lúc, ở cùng một tốc độ mà không hề bị giảm => giải quyết được vấn đề nghẽn mạng.

#3. Resource Unit

Nó sẽ thực hiện chia nhỏ tài nguyên băng thông ra thành những Resource Unit, và nó sẽ phân phát các Resource Unit này cho các user ở phía bên dưới chia sẻ nhau => Cho phép nhiều thiết bị có thể truyền/nhận dữ liệu cùng lúc.

#4. BSS Color

Nó sẽ đánh dấu các gói tin WiFi, mục đích là để nhận biết những gói tin nào cùng một SSID, cùng một hãng WiFi thì nó sẽ được đánh dấu cùng một màu. Còn ngược lại, nếu khác SSID thì nó sẽ đánh dấu khác màu.

=> Như vậy thì nếu chẳng may có 2 Access Point có đặt cạnh nhau, và phát cùng một kênh đi chăng nữa thì nó cũng sẽ không bị nhiễu sóng.

#5. Target Wake Time (TWT)

Một tính năng giúp giảm xung đột & Tiết kiệm năng lượng hơn. Vâng, tiết kiệm điện là tiết kiệm cho các thiết bị kết nối với mạng Wi-Fi 6 nhé các bạn, ví dụ như smartphone, máy tính….

III. Một số thuật ngữ mà bạn có thể gặp khi dùng Wi-Fi 6

Bên dưới là một số thuật ngữ mà có thể bạn sẽ gặp khi tìm mua một bộ phát WiFi 6 nào đó, mình sẽ tiếp tục update tại đây nên nếu quan tâm bạn có thể bookmark lại bài viết này để theo dõi nhé.

#1. WiFi Mesh là gì?

Vâng, các bạn có thể hiểu đơn giản WiFi Mesh là một hệ thống bao gồm nhiều thiết bị (Mesh) kết nối không dây lại với nhau, để phủ sóng Wi-Fi trong một không không gian rộng lớn, như là: chung cư, quán xá, văn phòng, hoặc biệt thự, căn nhà nhiều tầng….

Bạn không cần phải chạy dây mạng lằng ngoằng tới các thiết bị như những modem truyền thống nữa, và điều này thì đương nhiên là sẽ mang lại tính thẩm mỹ cao hơn cho căn nhà.

WiFi mesh giúp cho toàn bộ các thiết bị sử dụng chung một tên WiFi duy nhất, mà từ đó người dùng cũng không cần phải trực chờ đổi sang mạng Wi-Fi khác khi di chuyển giữa các tầng.

Qua đó thì cũng giúp cho các thiết bị thông minh (smart) trong gia đình như: camera, robot hút bụi … dễ dàng kết nối và cài đặt hơn.

Nhưng bạn đừng nghĩ WiFi Mesh là một bộ kích sóng nhé, bởi bộ kích sóng chỉ đơn giản là giúp tăng cường độ tín hiệu của Router chính, còn WiFi Mesh sẽ tạo ra một mạng WiFi hoàn toàn độc lập.

#2. AIoT là gì?

AIoT là sự kết hợp của AI (Trí Tuệ Nhân Tạo) và IoT (Internet of Things – Vạn vật kết nối) nhằm mục đích trao quyền cho cho các thiết bị được kết nối với trí thông minh của riêng chúng.

Vâng, điều này cho phép chúng học hành vi của con người và hành động theo hành vi và sở thích của người dùng mà không cần tương tác, nhắc nhở hoặc lập trình từ con người .

IV. Lời Kết

Okay, như vậy là mình đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Wi-Fi 6 rồi nhé, về cơ bản thì bạn chỉ cần hiểu như vậy là đủ.

Và tất nhiên, ngoài những lý thuyết bên trên ra, nếu bạn còn biết thêm những kiến thức hay ho khác về Wi-Fi 6 thì đừng quên chia sẻ lại cho anh em bằng cách để lại comment phía bên dưới bài viết này nhé!

Kiên NguyễnBài viết gốc tại blogchiasekienthuc.com