Vì miếng ăn mà phá cả nồi cơm – Thực tại đáng lo của nghề lập trình

64032

Việt Nam được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng về IT. Không những thế nghề lập trình viên luôn được đánh giá nằm trong top các nghề được nhiều bạn sinh viên lựa chọn. Tuy nhiên thực trạng nghề lập trình cho thấy, do tâm lí theo đám đông xen lẫn chưa hiểu rõ về IT khiến một số lượng không nhỏ người theo nghề lập trình chỉ đơn giản vì thu nhập khủng. Kết quả là đầu ra luôn có chất lượng không đồng đều. Điều này cũng phản ánh rõ ràng với thực trạng thiếu nguồn nhân lực với tay nghề cao. Vậy thì những lập trình viên với khả năng còn thấp này làm cách nào để có thể kiếm tiền nhanh?

Xin thưa, đó là họ chấp nhận làm các dự án với giá cực kì thấp có thể gọi là “phá giá”. Vô hình chung chính hành động này khiến cho việc phát triển IT bị kiềm hãm, khi các công ty về công nghệ cũng như những lập trình viên chân chính cũng phải điều chỉnh hoặc là hạ theo để không bị mất khách. Đọc đến đây bạn hẳn ngờ ngợ rằng chuyện này khá quen thuộc. Quả là đúng như vậy, cách đây vài năm, nghề thiết kế – design trở thành một những lựa chọn đình đám và thế là, dẫn đến việc có quá nhiều người theo học chỉ vì mộng làm giàu, rồi cũng nhanh chóng lụi tàn và quyết định “phá giá” để kiếm miếng ăn. Khiến cho giá một bức hình, một bản thiết kế mà chỉ có giá vài chục đến vài trăm ngàn.

Vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều lập trình viên tỏ ra bức xúc khi thấy nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”, bán nghề với một cái giá rẻ mạt. Một member của fanpage Lập Trình Viên Confession chia sẽ nỗi lòng của mình về vấn đề này.

“Từ giờ tôi nghe đứa nào đi đồn thổi “học IT giàu lắm” “lương cao chót vót” “chục triệu”,… là tôi bẻ cụp mỏ nhé.

Không phải những điều nói trên là sai, nhưng nói ra vậy để làm chi? Kéo thêm nhiều người vào ngành thì càng có nhiều đối thủ, càng xâu xé khắc nghiệt hơn, tính đi lại vết xe đổ của ngành kinh tế à? Khoảng chục năm trước bỗng rộ lên học kinh tế là giàu lắm thế là người người, nhà nhà đổ xô học kinh tế. Đại học cũng có cao đẳng cũng đầy, cứ 100 người là có 1 người học kinh tế như 99 đứa còn lại. Rồi giờ sao, đầy đứa thất nghiệp ất ơ luôn hoặc toàn làm mấy việc không liên quan. Cái gì tràn lan thường không quý, ít mà chất đi. Cái chuyện bức xúc dẫn tui phải viết cfs này là vì thấy nhiều dev bán web giá rẽ mạc.

Nó phá giá đấy ạ. Kiểu là giờ ai cũng xô đi học và có tool làm web tận răng nhiều khi d** cần biết code cũng làm được, xong bán với giá dưới hầm mộ. Giống hệt kiểu lao động nước mình qua làm lao động giá rẻ cho Mỹ để đá nồi cơm của người lao động Mỹ gốc í. Hỏi lao động Mỹ nó có ưa nổi lao động nhập cư không, tôi thì là tôi không ưa nổi rồi.

Trong ngành này tồn tại 1 dòng chảy rất khó ưa mà thường bắt đầu từ mấy dev chập chững vào ngành, đó là: nghe người ta đồn ngành này giàu -> bu nhau đi học -> mơ có tiền nhanh -> học sơ xài lấy tool làm đại 1 cái web để kiếm tiền sớm như kì vọng họ hàng -> phá giá để hút khách -> hại cả lũ đồng nghiệp bị hạ giá theo.

Cái trò này designer cũng dính nhiều rồi, nhưng thực chất thì ngành nào cũng vậy, cứ đại trà lên là sẽ có mấy con phá giá xuất hiện. Tóm lại mấy dev nào lương chục củ thì im lặng mà tận hưởng đi, đừng đem khoe khoang khổ cho mấy lứa sau. Đấy tôi hơi cọc tính với cũng chả giỏi văn nên chỉ viết được thế thôi.”

Tuy lời nói có chút nóng giận nhưng ta cũng thấy rõ sự chạnh lòng của một lập trình viên khi nói về viễn cảnh “phá giá” trong nghề IT. Thiết nghĩ nếu họ có tâm và chịu khó bám trụ, nâng cao bản thân thì có lẽ nghề cũng sẽ nuôi và trả cho công sức của mình bỏ ra. Tiếc rằng suy nghĩ như vậy không phải ai cũng có và đôi khi vì lòng tham, họ sẵn sàng bỏ dài lấy ngắn, vì miếng ăn mà phá cả nồi cơm.

TopDev