Test case là gì? Cách viết Test case hiệu quả

3479

Test case là một tài liệu quan trọng trong kiểm thử phần mềm nói riêng và quá trình phát triển dự án phần mềm nói chung. Việc viết test case hiệu quả sẽ giúp tăng tính ổn định và độ tin cậy của phần mềm, quyết định trực tiếp đến sự thành công của dự án. Trong bài viết hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem Test case là gìcách để viết được một test case hiệu quả nhé.

Test case là gì?

Test case – trường hợp kiểm thử là một tài liệu tập hợp các hành động được thực thi để kiểm tra, xác minh xem một chức năng của phần mềm có hoạt động chính xác với yêu cầu hay không. Một test case sẽ mô tả quá trình dữ liệu đầu vào (input), các hành động(action) hay sự kiện(event) thực hiện một cách tuần tự và kết quả mong đợi (expected result).

Test case là gì?

Mục đích và vai trò của test case trong kiểm thử phần mềm là đảm bảo rằng phần mềm hoạt động đúng như mong đợi, đáp ứng được cả yêu cầu về chức năng và phi chức năng. Một test case khi thực hiện kiểm thử có kết quả thất bại thì phần mềm/ chức năng đó được xác định là có lỗi (bugs) và cần phải được sửa lỗi trước khi đưa đến tay người dùng đầu cuối.

Thành phần của một Test case

Test case thông thường sẽ chứa các thành phần để mô tả chi tiết về cách thức kiểm thử một tính năng của phần mềm. Tùy theo công ty, tổ chức sẽ quy định template có thể khác nhau cho một test case; tuy nhiên vẫn sẽ cần đảm bảo những thành phần chính sau:

Thành phần của một Test case

1. ID test case

Giá trị duy nhất giúp xác định test case để phân biệt với các test case khác. Tùy quy định của dự án mà sẽ có cách quy ước chung đặt ID cho test case, thông thường có thể sử dụng ID dự án + ID module + số thứ tự test case.

2. Mô tả test case

Thể hiện ngắn gọn các thông tin liên quan, quan trọng nhất là mô tả mục đích của test case. Các thông tin mô tả sẽ giúp tester dễ dàng hình dung ra nội dung mà test case sẽ thực hiện.

3. Các bước của test case

Mô tả quy trình thực hiện test theo từng bước (step by step) với đầu vào (input) và đầu ra (output) của từng bước chi tiết. Đây là phần quan trọng nhất của một test case, cần có sự phân chia các bước rõ ràng và hợp lý, sẽ tốn thời gian nhất của một tester khi viết phần này.

4. Kết quả kỳ vọng

Kết quả mong muốn phần mềm, chức năng đó đạt được khi thực hiện các bước theo test case. Đây cũng chính là cơ sở để so sánh với kết quả thực tế, từ đó đưa ra kết quả kiểm thử của test case là Pass hay Fail.

5. Kết quả thực tế

Kết quả kiểm thử, chứa thông tin chi tiết về hiệu suất và độ chính xác của chương trình dưới điều kiện kiểm thử cụ thể. Kết quả thường được thể hiện cụ thể ở mỗi bước để giúp chúng ta dễ dàng so sánh giữa kết quả thực tế và kết quả kỳ vọng; để từ đó làm cơ sở cho các bước xác định và sửa lỗi nếu có sau này.

  Test plan là gì? 4 bước cần thiết để thực hiện test plan?

  Stress testing là gì? Phân biệt stress testing và load testing

Một số loại test case phổ biến

Tùy vào mục đích của việc kiểm thử cũng như theo giai đoạn của dự án mà sẽ có những loại test case tương ứng được sinh ra. 

Test case là gì?

Chúng ta có thể chia test case ra thành một số loại như sau:

  • Functionality Test cases: kiểm thử chức năng
  • User Interface Test cases: kiểm thử giao diện người dùng
  • Performance Test cases: kiểm thử hiệu suất
  • Integration Test cases: kiểm thử tích hợp
  • Usability Test cases: kiểm thử tính khả dụng
  • Database Test cases: kiểm thử cơ sở dữ liệu
  • Security Test cases: kiểm thử bảo mật
  • User Acceptance Test cases: kiểm thử chấp nhận người dùng

Cách để viết một test case hiệu quả

Để tạo ra được bộ test case hiệu quả, team kiểm thử của dự án cũng cần phải có bước lên kế hoạch và thiết kế test case một cách chi tiết, đầy đủ. Một bộ test case hiệu quả cần đảm bảo rằng tất cả các chức năng của phần mềm trong yêu cầu đều được kiểm tra với số lượng test case ít nhất có thể, tránh việc gây lãng phí thời gian kiểm thử.

Cách để viết một test case hiệu quả

Một số bước dưới đây sẽ giúp bạn lên kế hoạch, thiết kế và thực hiện viết test case một cách hiệu quả hơn:

  • Đặt ra mục tiêu và tiêu chuẩn cụ thể cho test case: dựa vào nhu cầu và mong muốn của khách hàng, tester xác định được mục đích của test case là đảm bảo việc phần mềm sẽ có khả năng đáp ứng được những yêu cầu trên một cách tốt nhất.
  • Đảm bảo hiệu suất kiểm thử: một test case đưa ra phải xác định được chức năng của module mà test case đó sẽ thực hiện kiểm thử; các thành phần trong module sẽ tương tác với nhau thế nào; từ đó xây dựng kịch bản phù hợp đảm bảo rằng các thành phần đã được kiểm tra qua.
  • Hãy lưu ý đến yêu cầu phi chức năng: các yêu cầu phi chức năng là điều thường dễ bị đội phát triển bỏ qua trong quá trình viết code. Vì vậy việc mô tả trong test case là điều cần thiết giúp phần mềm đáp ứng được nhu cầu của người dùng một cách chính xác.
  • Chuẩn bị điều kiện tiền đề: đây là yếu tố kiên quyết để những người thực hiện có thể kiểm thử đúng test case mà bạn mô tả, vì vậy hãy chuẩn bị và ghi rõ các bước cần thiết.
  • Đặt tên cho test case: Tên của test case cần nêu lên rõ mục tiêu của nó, đảm bảo dễ hiểu và phù hợp với mục đích.
  • Mô tả các bước kiểm thử: hãy đặt mình là người đọc và làm theo các bước trong mô tả, bạn cần ghi rõ các thông tin cần thiết để đảm bảo rằng mọi người (bao gồm cả tester, developer hay cả khách hàng) cũng đều dễ dàng làm theo.
  • Xác định rõ và đủ kết quả mong đợi: kết quả mong đợi cần thể hiện chi tiết theo từng bước. Kết quả cuối cùng cần có sự chính xác về số liệu nhất là với các kiểm thử liên quan đến hiệu năng hay có ràng buộc về dữ liệu.
  • Kiểm tra và sắp xếp lại test case: cuối cùng khi đã viết được một số lượng test case nhất định, hãy kiểm tra và sắp xếp lại chúng một cách hợp lý; đồng thời có những công cụ giúp theo dõi việc chỉnh sửa, cập nhật trong tương lai.

Kết bài

Hy vọng bài viết này giúp các bạn không chỉ là tester mà còn là những bạn tham gia trực tiếp vào team phát triển phần mềm, có thể nắm được test case là gì, các thành phần của test case cũng như cách để viết một test case hiệu quả. Điều này sẽ giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong quá trình làm việc xây dựng và phát triển phần mềm, đáp ứng đúng và đủ yêu cầu từ khách hàng. Cảm ơn các bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Xem thêm:

Xem ngay tin đăng tuyển lập trình viên đãi ngộ tốt trên TopDev