Tại sao KHÔNG NÊN DÙNG FILE GHOST chia sẻ trên mạng?

5600

Bài viết được sự cho phép của blogchiasekienthuc.com

Có lẽ, ai sử dụng máy tính chắc cũng đã ít nhất một lần sử dụng file ghost được chia sẻ trên mạng để cài lại máy tính của mình rồi đúng không.

Đơn giản bởi vì file Ghost rất tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng tìm kiếm được ở trên mạng.

  5 loại profile của các Product Manager là gì?
  10 trình quản lý file hàng đầu trong JavaScript

Nhưng cũng có không ít người người khuyên rằng không nên sử dụng file Ghost để cài lại máy. Vậy lý do là gì? và nó có thực sự chính xác không?

NOTE: Admin đã có một bài viết so sánh Ghost với cài lại Windows rồi, một bài viết rất hay mà các bạn nên đọc.

Và trong bài viết này mình sẽ sử dụng thuật ngữ là Ghost nhé, mặc dù về lý thuyết thì có thể nó không đúng, mà chính xác hơn phải là file BACKUP hoặc file IMAGE mới đúng. Bởi hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ tạo file BACKUP chứ không riêng gì Onekey Ghost hay Norton Ghost nữa..

Những chúng ta đã quá quen thuộc với thuật ngữ Ghost rồi và khi nói thì ai cũng hiểu. Vậy nên chúng ta sẽ thống nhất dùng thuật ngữ Ghost trong bài viết này ha.

co-nen-dung-file-ghost-khong (1)

#1. Ưu điểm của Ghost là gì?

Nhanh và tiện lợi là những gì có thể nói về Ghost:

Nhanh: Nếu rành về máy tính thì bạn chỉ cần chưa tới 5 phút để tìm ra file Ghost ưng ý (bỏ qua chuyện tải về).

Và bạn cũng chỉ mất tầm 7 tới 10 phút cho quá trình bung file Ghost (khi mà ổ cứng SSD lên ngôi như hiện nay), hơn nữa trong lúc bung file Ghost thì gần như bạn không cần bất kì một thao tác gì thêm => bạn có thể xử lý được nhiều máy cùng một lúc.

Tiện lợi: Thông thường, những file Ghost được chia sẻ hiện nay có đến 90% là file ghost đa cấu hình, tức là những file ghost này đã được tích hợp sẵn driver và một vài phần mềm cần thiết khác.

Tất nhiên, nếu muốn thì bạn cũng có thể tìm những bản ghost chưa cài đặt bất kì một ứng dụng nào, mới tinh như lúc vừa cài Windows xong.

Tức là nhiều lắm thì bạn chỉ mất 15 – 20 phút cho một lần cài lại máy với phương pháp Ghost này thôi là cơ bản đã có những gì bạn cần rồi. Điều này khó có thể làm được nếu cài lại Windows bằng cách thông thường, tốn gấp đôi thời gian là ít.

#2. Những nguy hiểm tiềm tàng khi sử dụng bản GHOST trên mạng

co-nen-dung-file-ghost-khong (2)

Như các bạn đã biết, bản thân file ghost thực tế là do một cá nhân (chiếm đa số), hay một nhóm nào đó làm ra.

Tất nhiên là sẽ có những cá nhân tốt bụng, tâm huyết và muốn thực sự cống hiến cho cộng đồng mà không có bất kỳ vụ lợi gì.

Hoặc cũng có những cá nhân tạo file ghost ra để thúc đẩy trang web của họ, giúp trang web phát triển mạnh mẽ hơn… rồi từ đó kiếm tiền theo một cách khác.

Những người kể trên thì OK, quá tốt rồi. Không có gì phải bàn cãi gì thêm..

Thế nhưng ở đời đâu phải ai cũng tốt như thế, lòng người khó đoán lắm các bạn ạ. Cứ nhìn những gì cô Phương Hằng bóc mẽ trong thời gian gần đây là bạn sẽ thấy, rất nhiều người mà trước đây bạn tin tưởng tuyệt đối thì hóa ra lại không tốt đẹp như bạn nghĩ..

Bởi vậy mới nói, khó đoán nhất là lòng người.

Trở lại với vấn đề chính của bài viết, ngoài những người tạo file Ghost với mục đích “chia sẻ từ tâm” ra thì cũng có không ít những người làm vì vụ lợi, làm vì mục đích xấu.

Thực sự thì không có một cơ sở, hay thông tin nào có thể đảm bảo rằng file ghost mà bạn tải về có thực sự sạch sẽ hay không. Không ai kiểm chứng cả !

Bởi đa số các file ghost đều được tùy chỉnh khá sâu vào hệ thống để giảm dung lượng file GHOST.

Hơn nữa, họ cũng tích hợp khá nhiều phần mềm bản quyền (đã được bẻ khóa) vào file GHOST. Mà bẻ khóa thì phải làm gì? Vâng, cờ ráck chứ còn gì nữa.

Mà việc bẻ khóa không thể đảm bảo được là nó an toàn tuyệt đối được, vậy nên một lần nữa, file Ghost lại có nguy cơ dính virus, keylogger (kể cả là người làm ghost không có ý đồ đi chăng nữa).

Vậy nên, việc tìm và tải những file ghost của người có uy tín là điều rất quan trọng. Mà chữ UY TÍN ở đây thì cũng khó nói lắm 🙂

#3. Không tương thích hoàn toàn với phần cứng

co-nen-dung-file-ghost-khong (3)

Vì là driver của các bộ cài tự động, thực chất đây là một bộ cài với tổng hợp rất nhiều driver phổ biến cho các thiết bị phần cứng khác nhau nên nó chỉ dừng lại ở mức hoạt động được, chứ hiệu suất của phần cứng không đạt được sức mạnh tối đa.

Tuy nhiên, nếu là bản ghost Windows 10 hay các phiên bản mới hơn thì tình trạng này sẽ đỡ hơn, vì bản thân Windows 10 đã khá đầy đủ driver rồi. Và các driver cũng được tự động cập nhật qua những lần bạn update sau này.

Vấn đề hiệu suất giảm khi sử dụng phương pháp Ghost được rất nhiều người công nhận, nó không thể hoạt động với hiệu năng như khi chúng ta cài Win được.

Chính vì lý do đó mà đôi khi, mặc dù bạn sử dụng card đồ họa thế hệ mới, hay mainboard đời mới nhưng khi chơi game, khi sử dụng các tác vụ nặng, hay thậm chí là cả những lúc bình thường… đôi khi sẽ xảy ra tình trạng giật, lag nhẹ..

#4. Vậy tóm lại là có nên sử dụng file ghost được chia sẻ trên mạng hay không?

Cái này thì tùy thuộc vào cá nhân bạn. Nhưng cách tối ưu nhất mà mình khuyên bạn là nên tự tạo ra một file Ghost cho riêng mình.

Tức là ban đầu bạn hãy cài một bản Win sạch sẽ, cài driver, phần mềm đầy đủ theo nhu cầu sử dụng của bạn => sau đó thực hiện backup lại để sử dụng về sau này. Đây là phương án mình nghĩ là ổn áp nhất hiện tại.

cach-su-dung-dlc-boot-5

NHƯNG, nếu bạn không am hiểu nhiều về máy tính, không rành cách tạo file ghost hay cài đặt các phần mềm cần thiết cho máy tính thì việc sử dụng các file ghost được chia sẻ trên mạng là một sự lựa chọn hợp lý. Tất nhiên bạn phải tìm được nguồn tải uy tín.

Còn nếu bạn là người rành rọt, muốn làm chủ hoàn toàn máy tính của bạn và để máy tính hoạt động với hiệu năng ổn nhất thì bạn nên tự cài Win nhé.

#5. Lời Kết

Vâng, trên đây là những lý do mà một số người khuyên bạn không nên sử dụng file ghost được chia sẻ trên mạng, còn thực tế thì tùy thuộc vào nhu cầu cũng như khả năng của mỗi người để đưa ra những quyết định hợp lý riêng.

Hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Hãy chia sẻ quan điểm của bạn về việc sử dụng file ghost được chia sẻ ở trên mạng ở bên dưới phần commet để a/e thảo luận thêm nhé !

CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Bài viết gốc tại blogchiasekienthuc.com

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Việc làm IT hấp dẫn trên TopDev