Một câu hỏi nhỏ dành cho bạn: Bạn có thường hay than vãn, tâm sự về tất tần tật những chuyện buồn vui trên công ty với các hội anh em/bạn bè của mình không? Khỏi nói cũng biết, tất nhiên là có rồi, bản thân TopDev cũng nghe nhiều phản hồi thú vị xoay quanh môi trường nhân sự đấy!
Niềm vui có, nỗi buồn có, khen chê đều có. Tuy nhiên, những gì TopDev ghi nhận được là những người mới bắt đầu đi làm hoặc đi làm chưa lâu, họ có xu hướng chê công ty của mình nhiều hơn là đánh giá cao tiềm năng của công ty:
- Công ty dùng công nghệ cũ xì khiến việc vận hành không hiệu quả. Công ty gì phúc lợi kém quá, lại hay kì kèo.
- Đồng nghiệp thì ba gai đủ chuyện. Sếp thì thiếu quan tâm thậm chí không hề hiểu nhân viên.
- Công việc dồn dập và tình trạng nước đến chân mới nhảy liên tục diễn ra.
- Đôi khi công việc quá nhàn hạ, không rõ định hướng và bản thân nhân viên không phát triển được.
Nói chung là có vô vàn thứ để chê. Và TopDev đang thuật lại những suy nghĩ của một nhóm người đang trong giai đoạn tiếp cận môi trường mới. Thật ra, việc bạn là ai và làm gì, làm ở môi trường nào cũng đều có những ý nghĩa riêng cả. Liệu các bạn có thay đổi suy nghĩ của mình về các công ty không? Cùng TopDev xem hết bài viết nhé!
Tập thích nghi là điều quan trọng
Tốt nghiệp một ngôi trường Đại học danh tiếng cùng tấm bằng cử nhân, bạn bắt đầu đi làm tại một công ty cũng có chút tiếng tăm. Rồi chuyện gì xảy ra tiếp theo. Bạn than phiền: Công ty gì lương thấp quá vậy, công việc thì thiếu sáng tạo mà suốt ngày cứ đòi hỏi nhân viên này nọ.
Trải nghiệm đầu về chuyến hành trình chinh phục công việc mơ ước kết thúc khi bạn quyết định rời khỏi công ty. Rồi kế đến, bạn lại “nhập gia tùy tục” tại một công ty với quy mô lớn hơn. Giai đoạn đầu là những chuỗi ngày êm đềm đúng nghĩa. Tuy nhiên sau đó, bạn chợt nhận ra, bản thân mình lại tiếp tục chê công ty:
1. Công ty gì lớn mà lương thưởng không có. Task thì nhiều – Deadline thì dí nhân viên mà lương OverTime tương ứng con số 0 tròn trĩnh
2. CEO đúng là có tố chất nhưng ngược với lãnh đạo thì lúc nào cũng lãnh đạm với nhân viên
3. Lương thì thấp, làm lâu mà không được tăng lương nhiều
Tiếp tục vòng quay trải nghiệm, bạn lại “bay” sang một công ty khác. Ở đây lương cao hơn, trả đúng hạn, quá tốt rồi nhưng không, bạn lại than phiền chuyện khác:
- Đồng nghiệp nhiều gì mà hơn thua, coi thường người khác, thiếu thân thiện
- Công ty gì cứ liên tục thay đổi yêu cầu, thích chỉ định và không lắng nghe tiếng nói của nhân viên
- CEO phởn phơ và nhàn rỗi “đi dạo” vòng quanh giám sát nhân viên, ai mà tập trung làm việc được
Các bạn có nhận ra điều gì không? Việc các bạn chê trách hay than vãn về công ty của mình bắt nguồn từ những “viễn cảnh tươi đẹp” mà các bạn đã vẽ ra trước khi bắt đầu trải nghiệm cuộc sống của một nhân viên. Hãy nhớ rằng, công ty cũng giống như một xã hội thu nhỏ. Nơi đó bạn sẽ tiếp xúc nhiều người, nhiều cái mới hơn. Việc quan trọng nhất của bạn lúc này là học cách thích nghi với môi trường làm việc. Đồng thời, bạn hãy mang trong mình những suy nghĩ tích cực hơn, loại bỏ những định kiến, cảm xúc tiêu cực về công ty. Điều này giúp bạn tìm ra được ý nghĩa thật sự trong vấn đề trải nghiệm công việc.
Hãy khai thác những khía cạnh tích cực và chấp nhận một điều: Công ty nào cũng có vấn đề cả!
Việc bạn điều chỉnh suy nghĩ sẽ tạo ra những thay đổi lớn. Hãy thử nhìn vào những mặt tốt của công ty xem, biết đâu bạn sẽ biết thêm nhiều điều thú vị.
Ngồi ngẫm nghĩ lại, bạn lại nhận ra công ty mình cũng có điểm tốt đấy chứ:
- Cũng có đồng nghiệp vui tính, lại thông tin, giỏi chuyên môn IT và giúp đỡ mình nhiều
- Công việc nhiều nhưng mình biết cách cân bằng, nắm được những phần core quan trọng. Môi trường cũng khá năng động giúp mình nhanh lên trình hơn
- Mình được chọn tham dự mấy khóa học đào tạo chuyên môn, tận mắt thấy những quy trình công nghệ hiện đại và còn được gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhân sự IT nữa
Một điều bạn nên biết là bất kỳ một công ty nào cũng có vấn đề cả. Điều quan trọng là bạn có tinh tế nhận ra được và chấp nhận nó hay không. Những vấn đề đó có thể xuất phát từ nhiều chiều và trở thành đặc tính chung của mọi quy mô tổ chức/doanh nghiệp.
Như đã nói trước đó, vì là giai đoạn trải nghiệm công việc, bạn hãy học cách thích ứng sao cho phù hợp với môi trường. Bất kỳ ai cũng đều có những định hướng cụ thể để thăng tiến trong sự nghiệp và bạn cũng không ngoại lệ. Hãy tập trung phần mình và cố gắng tạo ra những giá trị. Về chuyện các vấn đề tồn đọng, nếu là một nhân viên có bản lĩnh thì việc giải quyết chúng chỉ còn là thách thức về thời gian đối với bạn mà thời.
Hãy biến thách thức thành cơ hội
Thay vì suy nghĩ về những điều tiêu cực, bạn hãy biến nó thành cơ hội để bạn thể hiện năng lực của mình:
- Nếu quy trình không rõ ràng? Đừng lo, hãy chủ động kêu gọi và ngồi lại với team để thảo luận, đóng góp các ý kiến nhằm tạo ra một quy trình phù hợp hơn
- Nhân sự thiếu kỹ năng cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm? Bạn đừng chê nữa, hãy mở lòng giao tiếp với họ. Bạn có thể tìm hiểu những mong muốn của họ để rồi trình bày lại với nhà quản lý/lãnh đạo nhân sự. Biết đâu các đồng nghiệp đang chờ một người biết chủ động và không ngại thể hiện mình như bạn đấy
- Nhân thấy hệ thống tổ chức chưa thật sự thích hợp? Chỉ đơn giản là bạn chia sẻ với các manager, leader, cùng họ phân tích và đề xuất những phương án mới, có tính khả thi hơn
Đấy! Khó khăn nào rồi cũng có cách giải quyết thôi, phải không nào! Thách thức được tạo ra để bạn thử sức và trải nghiệm mình. Cũng có thể nói thách thức chính là cơ hội. Vì thế, bạn nên tận dụng những thách thức để tạo ra những giá trị riêng cho bản thân mình. Việc chấp nhận các thách thức, thay đổi suy nghĩ tích cực hơn và học cách thích nghi linh hoạt với môi trường sẽ giúp bạn có những trải nghiệm tuyệt vời trong công việc của mình.
Lời kết:
Điều mấu chốt bạn cần nhớ là đừng áp đặt quá nhiều suy nghĩ của bạn về môi trường làm việc của công ty. Và cũng đừng so sánh công ty này với công ty khác. Mỗi công ty đều khác nhau và tất nhiên chúng đều có những vấn đề riêng khó thay đổi. Hãy thích nghi và giảm thiểu những xúc cảm tiêu cực để mỗi ngày làm việc đều có những niềm vui. Chung quy lại, mọi thứ đều do chính bạn, hãy nhìn nhận đúng đắn và hy vọng bạn sẽ lựa chọn cho mình một công ty phù hợp để đồng hành phát triển lâu dài.
Có thể bạn quan tâm:
- 5 Câu hỏi hoàn thiện kế hoạch quản lý nhân sự mùa Covid-19
- Ngành Nhân sự trong bối cảnh hiện đại – Kỹ năng nào cần thiết
- Bí mật giúp tạo động lực và tăng năng suất cho nhân viên
Xem thêm Top Việc làm Developer trên TopDev