Bật mí 4 kiểu lộ trình phát triển nghề nghiệp

599

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Một trong những lý do nghỉ việc phổ biến là “không có cơ hội phát triển”. Lý do này lướt qua có vẻ hợp lý, nhưng nhìn thật sâu thật kỹ trong một số trường hợp thì chưa được hợp lý cho lắm. Chữ “phát triển” tuỳ theo từng môi trường làm việc, kiểu công việc mà có thể được định nghĩa khác nhau. Có phát triển về tiền lương, phát triển về chức vụ, phát triển về kỹ năng hay chỉ đơn giản là phát triển về tư duy. Biết rõ thứ bản thân mình muốn phát triển để không có kì vọng sai lệch là một điểm mấu chốt để đạt được hạnh phúc khi đi làm.

Nếu làm start-up mà mong lộ trình thăng tiến rõ ràng từng bước, hay làm doanh nghiệp lớn mà lại mong một năm thăng ba bậc thì thật bất hợp lý. Trong bài viết này, mình chia sẻ lại tới bạn đọc một số kiểu lộ trình phát triển trong nghề nghiệp, các bạn có thể tham khảo xem đâu là lộ trình phù hợp nhất với mình nhé.

Lộ trình 01: Mỗi thời điểm chọn cho mình lựa chọn phù hợp nhất

Lộ trình này phù hợp cho người thích nhiều thứ, hoặc người chưa biết mình thích gì.

Khi bạn ở trong trường hợp trên, bạn thấy lựa chọn nào cũng có cái hay, hoặc không thấy lựa chọn nào hay cả.

Cách để lựa chọn phù hợp nhất đó là ở thời điểm đó, đâu là lựa chọn ít sai nhất với bạn. Lựa chọn càng sai, bạn càng mất tự tin, mất động lực và không hạnh phúc trong công việc. Việc ngồi xuống và quyết định xem đâu là lựa chọn đúng nhất có thể khó khăn, nhưng việc chỉ ra được đâu là những điều sai sẽ ít khó hơn. Sử dụng phương pháp loại trừ kết hợp với 7 yếu tố trong công việc mình đã đề cập trong bài viết trước, bạn có thể xác định được với mỗi yếu tố đâu là những điều sai, những điều mình không thích – từ đó suy ra được cái ngược lại là mình thích. Ví dụ:

  • Kiến thức mình sẽ sử dụng tại vị trí đó
  • Kĩ năng mình sẽ dùng tại vị trí đó
  • Vị trí địa lý của công ty ở gần hay ở xa?
  • Môi trường làm việc của công ty như thế nào?
  • Con người ở công ty ra sao?
  • Mức lương vị trí đó như thế nào?
  • Giá trị công việc ở vị trí này là gì?

Sẽ không có lựa chọn nào là đúng cả đời, chỉ cần lựa chọn đó phù hợp ở thời điểm đó đã là rất tốt.

Lộ trình 02: Phát triển theo chiều hướng làm quản lý

Nếu bạn đã chọn được một lĩnh vực muốn tập trung và đặt mục tiêu làm quản lý trong lĩnh vực đó ở thời gian sớm nhất, một số câu hỏi bạn cần trả lời được là:

  • Làm quản lý tầm trung cho một công ty lớn?
  • Hay làm quản lý cấp cao cho một công ty nhỏ?

Không có câu trả lời đúng nhất cho hai câu hỏi trên – vì câu trả lời phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn. Một tip mình có thể chia sẻ là hãy lựa chọn nơi nào bạn có thể thể hiện được tốt nhất năng lực của bản thân. Ví dụ nếu bạn thích làm việc với đa dạng kiểu người, thích quy trình rõ ràng, học hỏi một cách chuyên nghiệp, công ty lớn có thể phù hợp với bạn. Nếu bạn thích sáng tạo những ý tưởng mới, làm việc với nhịp độ nhanh, đóng nhiều vai trò trong một công ty, start-up có thể là lựa chọn tốt.

  Bạn đang có một công việc (Job) hay một sự nghiệp (Career)?

  Có nên nộp hồ sơ công việc mình thích nhưng đang không đăng tuyển?

Môi trường phù hợp là môi trường bạn có thể tạo ra nhiều giá trị nhất ở thời điểm bạn đang lựa chọn. Ví dụ, mình thấy có rất nhiều người khởi nghiệp thành công sau khi dành nhiều năm làm việc cho tập đoàn lớn. Thời gian làm việc cho tập đoàn lớn giúp một người có cái nhìn tổng quát về quy trình vận hành và quản lý con người tốt hơn.

Nếu bạn mong muốn được phát triển theo chiều hướng đi lên quản lý, khi phỏng vấn tại công ty, bạn nên hỏi kỹ về lộ trình phát triển vị trí bạn đang ứng tuyển tại công ty. Có bao nhiêu cấp bậc cho vị trí đó? Vị trí bạn đang ứng tuyển ở cấp bậc mấy? Thời gian trung bình từ cấp bậc này lên cấp bậc kia mất bao lâu?

Lộ trình 03: Phát triển chuyên môn cứng

Không phải ai cũng thích làm quản lý để chỉ đạo người khác. Có nhiều người chỉ thích tập trung vào chuyên môn như xây dựng sản phẩm, sáng tạo nội dung hay tối ưu hoá quy trình làm việc.

Với lộ trình này, những năm đầu sau khi ra trường bạn có thể dành để trải nghiệm các công việc thuộc các nhóm kỹ năng khác nhau, từ đó chọn ra được 1-2 kỹ năng thế mạnh của bản thân và tập trung vào phát triển kỹ năng thế mạnh đó. Nếu ngay ở thời điểm còn đi học, bạn đã biết thế mạnh của mình – bạn vẫn nên dành thêm chút thời gian học hỏi thêm các kỹ năng bên lề. Trong thời đại hiện nay, một người làm việc đa dạng kĩ năng là người có lợi thế ở thị trường lao động. Ví dụ bạn rất giỏi Viết Content + kỹ năng sử dụng Canva cơ bản, hiểu biết về chạy quảng cáo Facebook, chắc chắn là hơn hẳn một người chỉ giỏi về việc viết nội dung.

Như vậy với lộ trình phát triển chuyên môn cứng, bạn sẽ chọn ra một vài kỹ năng chuyên môn để tập trung, đi kèm với một vài kỹ năng bổ trợ.

Việc làm IT Fresher dành cho bạn

Lộ trình 04: Xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân

Đây là lộ trình mới nhất được nhiều người lựa chọn trong thời buổi hiện nay.

Hiện nay, nếu chưa tự tin trong việc khởi nghiệp xây dựng một công ty, bạn có thể “khởi nghiệp” với việc xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân. Thương hiệu cá nhân có thể giúp bạn làm các công việc như Affiliate Marketing, làm YouTube, viết lách, làm KOLs, trợ lý ảo và nhiều công việc freelance khác.

Để đi theo lộ trình này, một người cần có kỹ năng chuyên môn cứng trong một lĩnh vực + kỹ năng xây dựng mối quan hệ + kỹ năng quảng bá bản thân. Nhiều người làm tốt điều số một nhưng bỏ quên điều số hai và số ba. Bạn có thể rất giỏi chuyên môn, nhưng nếu còn thiếu kiến thức về kinh doanh, Marketing và thiếu mối quan hệ, rất khó để bạn sống được với nghề làm việc tự do.

Trên đây là một số chia sẻ về các lộ trình hướng đi khác nhau trong nghề nghiệp. Bạn thấy mình hợp với lộ trình nào?

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm: 

Xem thêm Top Việc làm Developer trên TopDev