Làm thêm giờ là tốt hay xấu? Tips OT hiệu quả hơn

228

Bài viết được sự cho phép của tác giả Lê Tuấn Anh

Thi thoảng mình thấy xung quanh có một vài bạn bè “khoe” về việc OT cuối tuần với sự tự hào. Có những người quản lý nhìn OT như một thang đo chất lượng công việc, nhân viên nào càng OT nhiều tức là khả năng làm việc càng tốt.

Làm thêm giờ (overtime – OT) là một trong những cách bạn chứng minh năng lực và độ cam kết trong công việc, đồng thời có cơ hội nhận về mức đãi ngộ tốt hơn. Trước khi dành thời gian làm OT, bạn cần phải chắc chắn rằng mình có được một đời sống công việc – cá nhân cân bằng, đồng thời thời gian bỏ ra làm thêm giờ phải thực sự hiệu quả. Trong bài viết này, mình muốn thảo luận về những mặt tốt và chưa tốt của việc làm giờ, tiêu chí nào giúp bạn đưa ra quyết định có đồng ý làm thêm giờ hay không?

Làm thêm giờ được hiểu như thế nào?

Làm thêm giờ hiểu đơn giản là số giờ bạn làm việc vượt khỏi số giờ thoả thuận trong hợp đồng lao động. Ví dụ bạn thoả thuận làm 40 tiếng một tuần nhưng thực tế số giờ là 60 tiếng. Tuỳ theo chính sách công ty và thoả thuận trong hợp đồng của bạn với công ty, lương làm thêm giờ có thể bằng 100%, gấp đôi hoặc gấp ba lương thông thường của bạn.

Làm thêm giờ là tốt hay xấu?

Mình từng viết một status trên LinkedIn thảo luận về việc làm thêm giờ là tốt hay xấu và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng đó là bóc lột, chưa quản lý thời gian tốt, có người nói rằng đặc thù công việc như vậy, làm thêm giờ như vậy mới tạo ra nhiều giá trị. Thực tế tất cả những điều trên đều đúng, tuỳ thuộc vào góc nhìn và thế giới quan của người nói. Chúng ta hãy cùng nhìn nhận ở cả 2 khía cạnh:

Làm thêm giờ là tốt hay xấu?

Làm thêm giờ tốt ở điểm nào?

Thứ nhất, có thêm thu nhập, thường là gấp rưỡi hoặc gấp đôi thông thường. Có thêm tiền giúp bạn thực hiện các mục tiêu tài chính trong cuộc sống như mua nhà, mua xe, đi du lịch, chăm sóc người thân. Làm thêm giờ cũng là một cách thể hiện với quản lý và công ty rằng bạn là người rất cam kết và tâm huyết trong công việc, điều này có thể góp phần giúp bạn thăng tiến tốt hơn trong công việc.

Với doanh nghiệp, lợi ích của việc có nhân viên làm thêm giờ là không phải tốn một khoản chi phí thuê người làm mới. Nếu chính sách làm thêm giờ tốt và được thông tin đầy đủ đến nhân viên, đồng thời việc làm thêm giờ là lựa chọn không bắt buộc, việc này có thể là một điểm chạm tạo động lực và kích thích tinh thần cho nhân viên khi đi làm.

Làm thêm giờ KHÔNG tốt ở điểm nào?

Tuỳ theo từng công việc, tuy nhiên về cơ bản thì làm thêm giờ sẽ gây ảnh hưởng phần nào đến sức khoẻ thể chất và tinh thần. Ngoài ra, nó cũng làm mất đi thời gian bạn dành cho bản thân và cho những người xung quanh. Chưa kể việc quá phụ thuộc vào thời gian làm ngoài giờ trong khi thực tế thời gian chính trong giờ làm việc lại không hiệu quả. Việc này mình đã tự bản thân chứng kiến rất nhiều ở những môi trường công sở đã từng làm việc. Giờ hành chính trong tuần các bạn ngồi nói chuyện, tán dóc, lướt web, sau đó dành thời gian cuối tuần OT để giải quyết những việc đáng ra có thể làm ngay trong tuần. Với doanh nghiệp, tình trạng trên gây lãng phí về tài nguyên và nhân lực.

  Chuyện OT trong ngành IT

  Thà trả người mới lương cao còn hơn tăng lương cho người cũ

Dựa trên tiêu chí nào để quyết định LÀM hay KHÔNG LÀM thêm giờ?

Làm thêm giờ là tốt hay xấu?

Các bạn đi làm hỏi mình rằng “nếu doanh nghiệp hỏi em có làm thêm giờ hay không, em phải trả lời như thế nào?” Thực ra không có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi trên, điều bạn cần làm là vạch ra những tiêu chí quyết định cho bản thân.

1. Bạn phải hỏi rõ chính sách của công ty

Thực tế thì việc phải làm OT một vài giờ trong tuần thì không có gì ghê gớm cả, hoặc với một số ngành nghề thì làm OT vào một khoảng thời gian nhất định trong năm là hoàn toàn bình thường. Bạn cần làm rõ với công ty rằng thời gian OT trung bình theo tuần/tháng như thế nào, đâu là khoảng thời gian cao điểm trong năm?

Cụ thể chính sách trả lương cho thời gian làm việc ngoài giờ như thế nào, quy định ở văn bản nào của công ty. Những điều trên thường dễ bị nhập nhằng và bỏ quên ở các công ty vừa và nhỏ, vì vậy bạn cần hỏi thật kỹ. Nếu chưa có văn bản từ phòng nhân sự, hãy có xác nhận qua email chứ đừng nói miệng hay chat qua Zalo.

2. Bạn phải tính toán và kiểm soát được thời gian của mình

Có 2 kiểu OT có thể xuất hiện đó là:

(1) OT nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, tức là sếp đột ngột giao việc và bắt làm OT. Cũng được, tuy nhiên bạn phải xác định trong 1 tuần hoặc 1 tháng, mình chấp nhận cho việc này như thế nào? Nếu bạn không thấy vấn đề gì với chuyện này, sếp kiểu gì bạn cũng chiều được – thì bạn phải chấp nhận những ảnh hưởng của việc OT đến cuộc sống cá nhân. Không có gì trọn vẹn được cả.

(2) OT trong tầm kiểm soát của bạn, tức là bạn đồng ý nhận làm một dự án và tính toán được số giờ làm việc để hoàn thành dự án đó. Ví dụ bạn tính rằng nếu làm giờ hành chính bạn tốn 2 tuần để xong, tuy nhiên vì bạn muốn gây ấn tượng với công ty, bạn sẽ hoàn thành trong 1 tuần. Để làm được việc trên, bạn chấp nhận OT thêm mỗi ngày 2 giờ cho công việc. Việc này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, và có tính toán rõ ràng. Việc có kiểm soát thời gian giúp bạn đỡ bị căng thẳng hơn.

3. Xác định khoảng thời gian nào bạn làm việc hiệu quả

OT thì có thể làm vào sáng sớm, buổi trưa hoặc buổi tối khuya. Mỗi người lại có khung giờ hiệu quả khác nhau, bạn cần quan sát cách mình làm việc mỗi ngày xem mình làm việc hiệu quả hơn vào thời gian nào. Xác định được khoảng thời gian hiệu quả trong ngày giúp bạn phân chia các công việc phù hợp hơn với từng khoảng thời gian.

Ví dụ, mình thường tập trung và sáng tạo nhất vào buổi sáng. Trong khung thời gian sáng, mình thường làm các công việc phải suy nghĩ chiến lược nhiều, dành các công việc phải giao tiếp, nói chuyện sang đầu giờ chiều.

4. Bạn đạt được mục đích gì khi làm OT?

Nếu mục đích là tiền bạc, cụ thể chính sách OT đang trả cho bạn như thế nào? Có phải con số bạn mong muốn hay không?

Nếu mục đích là để gây ấn tượng và thăng tiến với công ty, việc bạn làm OT có được ghi nhận bởi công ty hay không?

Nếu mục đích chỉ đơn giản là để giải quyết công việc tốt hơn, hãy xem lại trong thời gian hành chính bạn đã thực sự tập trung chưa, khoảng thời gian OT này là bạn đã dự liệu trước hay bạn hoàn toàn bị động?

Tips để làm thêm giờ hiệu quả hơn

Nếu bạn đã quyết định bỏ thời gian cá nhân để dành thêm cho công việc, dưới đây là một số tips để bạn tận dụng khoảng thời gian này hiệu quả hơn nhé.

1. Áp dụng phương pháp Pomodoro

phương pháp Pomodoro

Hiểu đơn giản là phương pháp tập trung 25 phút, sau đó nghỉ ngơi 5 phút (hoặc bạn có thể điều chỉnh thời gian theo đồng hồ sinh học của bản thân). Hiểu một cách đơn giản là đừng tập trung dán mắt vào màn hình trong một quãng thời gian quá dài. Sau khoảng 30 phút hoặc 1-2 tiếng, bạn nên đứng lên vận động, đi uống nước, duỗi chân duỗi tay. Việc này tránh cho bạn bị những vấn đề về mắt, thoái hoá cột sống, vân vân và mây mây. Làm OT để kiếm thêm tiền nhưng không ai muốn mang tiền đó cho bác sĩ đúng không?

2. Hỏi về sự công nhận từ cấp quản lý

Nếu mục đích của việc làm thêm giờ là tìm kiếm cơ hội tăng lương, lên chức trong công ty – bạn cần có sự công nhận rõ ràng từ cấp quản lý hoặc các phòng ban liên quan ở công ty. Bạn nên hỏi cấp quản lý và công ty mình về những cách thức ghi nhận này. Có ghi nhận đầy đủ rõ ràng thì bạn mới có động lực để đóng góp. Nếu không có những điều này, có lẽ tập trung làm việc trong thời gian hành chính là đủ.

3. Đừng bỏ quên sức khoẻ

Mình biết rằng bạn rất mê công việc, khi đã vào mood làm việc thì sẽ quên hoàn toàn những gì xung quanh: bao gồm người khác, ăn uống, tập tành. Tuy nhiên mong bạn hãy nhớ rằng, công việc có thể mất đi và tìm lại được, nhưng sức khoẻ thì rất khó. Sức khoẻ giống như cục pin điện thoại, bạn có dành thời gian sạc pin đầy đủ thì các ứng dụng trong điện thoại mới chạy trơn tru mượt mà. Vì vậy, hãy đặt lịch cho việc ăn tối, sáng, việc tập thể dục bên cạnh việc đặt lịch gặp người này, làm cái kia trong công việc.

Mình cho rằng làm thêm giờ tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát của bạn với việc đó. Nếu bạn hoàn toàn bị động, trong giờ làm việc không hiệu quả dẫn đến phải làm thêm giờ, đó là xấu. Nếu bạn chấp nhận làm thêm giờ ở một khoảng thời gian nhất định, giúp bạn có thêm thu nhập, có cơ hội thăng tiến và không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống cá nhân, đó là tốt. Hãy đưa ra lựa chọn khôn ngoan nhé.

Bài viết gốc được đăng tải tại anhtuanle.com

Xem thêm:

Cập nhật tin tuyển dụng IT lương cao tại TopDev