Được mệnh danh là “Uber xe tải”, với mục tiêu “số hóa” ngành Logistic – công nghiệp vận tải đường bộ, Logivan là một nền tảng kết nối giữa các chủ xe và chủ hàng một cách nhanh chóng và đúng thời điểm, đồng thời giải quyết bài toán xe rỗng chiều về, từ đó giảm chi phí cho logistics đi nhiều lần. Bài toán mà Logivan cần giải chính là: Làm thế nào để xe về mà không rỗng thùng?
Trong chuyên mục Chuyên gia nói lần này, cùng tìm hiểu cách nhà Logivan áp dụng công nghệ vào Logistic và những thử thách của họ với phần chia sẻ từ CTO của họ, anh Lê Văn Giáp.
Về khách mời Lê Văn Giáp:
- Hiện tại anh đang đảm nhận vị trí giám đốc công nghệ của Logivan – một công ty về công nghệ vận tải ở Việt Nam.
- Xuất thân là dân thuần tech – thuần công nghệ và có khoảng 15 năm làm việc trong ngành software development.
- Đã từng startup 1 vài công ty công nghệ trong khoảng năm 2012 – 2015.
- 5 – 7 năm gần đây nhất anh bắt đầu công việc về software cụ thể là Fullstack Dev và Solution Active Tech.
Anh có thể chia sẻ một chút về công việc hằng ngày với vai trò là 1 CTO được không?
Thật ra nhiều người cứ nghĩ CTO là vị trí ở trên cao, chỉ việc ngồi chỉ tay 5 ngón cho mọi người làm thôi nhưng mà thực tế thì không phải như vậy, CTO cũng phải đảm nhiệm rất nhiều việc, họp với các managers, trưởng bộ phận của các dự án và dịch vụ, suy nghĩ tìm ra các giải pháp công nghệ để tối ưu các sản phẩm, dịch vụ ở hiện tại và trong tương lai. Hơn nữa xuất thân là dân công nghệ và trong môi trường startup, Giáp luôn muốn mình sẵn sàng xắn tay vào cùng các bạn Dev như một coder có nhiều kinh nghiệm để giải quyết các bài toán khó.
Đối với anh, 1 CTO cần sử dụng thời gian của mình như thế nào cho hiệu quả?
Thật ra đối với CTO ở tập đoàn lớn thì có thể họ sẽ có một timeline và các thời gian biểu hơi khác, còn đối với CTO của một startup thì Giáp nghĩ là mình nên sẵn sàng để join vào bất cứ trường hợp nào thật sự cần đến mình. Tất nhiên một là mình chủ động join vào, hai là mình lắng nghe để biết khi nào các team, các dự án, sản phẩm khi nào cần đến mình thì mình sẵn sàng luôn.
Thật ra để nói công việc nào mình nên xắn tay vào và công việc nào không nên thì rất khó, vì công việc của một startup sẽ thay đổi liên tục, sản phẩm cũng phải tùy chỉnh để thích ứng với thị trường, phải làm sao để thử nhanh, làm nhanh nhất, phải thử nhiều cái sai để tìm ra cái đúng mà đi. Startup không có nhiều điều kiện về nguồn lực, về con người nên mọi công việc sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế. Về cơ bản thì Giáp không muốn áp đặt các quan điểm của mình mà luôn sẵn sàng tham gia vào những phần định hướng, thiết lập ý tưởng, đi với team khi bắt đầu giai đoạn design sản phẩm, áp dụng công nghệ. Sau đó mình sẽ dùng các công cụ quản lý để làm việc nhưng hoàn toàn flexible chứ mình không cưỡng ép mọi người, không quá sát sao, quá chi tiết, tuy nhiên cũng phụ thuộc vào từng tình huống. Mình nghĩ đó chính là cách một CTO trong startup còn nhiều thay đổi và không ổn định.
Theo anh đâu là kỹ năng & tố chất cần thiết của 1 CTO của công ty về công nghệ?
Thật ra những kỹ năng mặc định mà một CTO cần có đó là hiểu biết sâu sắc về technical, vì CTO là người phụ trách về công nghệ của công ty. CTO khác với Technical manager, đã lên C – level thì cần có mindset về business, mình cần tư duy của một doanh nhân, bên cạnh đó đã là CTO của startup thì cần có strong power, sự máu lửa để sẵn sàng đối mặt với những challenge, vì startup luôn có rất nhiều challenge, luôn luôn thay đổi và không ổn định, thậm chí là challenge đến từ các đối thủ cạnh tranh. Giáp nghĩ đấy là những yếu tố cần của một CTO có thể giúp công ty lớn mạnh về mặt công nghệ và có những sản phẩm khác.
Ứng tuyển ngay việc làm Technical Manager hấp dẫn
Về Logistic và sự kết hợp giữa Tech x Logistic
Đâu là những cơ hội và thách thức mà anh thấy trong ngành logistic Việt Nam?
Logistic là một ngành rất thú vị, nó là mạch máu, huyết mạch kinh tế của bất cứ quốc gia nào, một khi logistic bị trục trặc nào đó hoặc ngừng hoạt động thì nó ảnh hưởng ngay đến nền kinh tế.
Logis là gì? Đó là vận chuyển hàng hóa, mà nó ngưng thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng cả về mặt tiêu dùng, nhập khẩu, xuất khẩu,… Thị trường logistic ở Việt Nam có tổng volume khoảng 40 tỷ đô, trong đó phần dành cho tracking – vận tải bằng xe tải chiếm khoảng 27 tỷ đô, vô cùng lớn và tiềm năng. Hiện tại đây cũng chính là mảng mà Logivan focus vào khai thác, áp dụng công nghệ vào để tối ưu vận chuyển bằng tracking.
Ngoài ra thì cũng có một thách thức nữa, cái gì mà mọi người nhìn thấy được như Uber, Grab,… các công ty nước ngoài tham gia vào thị trường logistic của chúng ta khá lâu rồi, thách thức đặt ra là làm sao một công ty công nghệ có thể sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề truyền thống. Bình thường khi chưa có công nghệ áp dụng vào thì các công ty vận tải đều sử dụng rất manual để vận hành hệ thống vận tải. Nhiệm vụ của Logivan nói riêng và các doanh nghiệp vận tải nói chung đều muốn xây dựng các giải pháp bằng công nghệ giúp tự động hóa, tối ưu quy trình sản xuất, đánh giá tất cả các khâu trong quy trình logistic để nâng cao hiệu suất, giúp cho các doanh nghiệp có được lợi nhuận tốt nhất.
Vậy anh có thể chia sẻ solution làm sao để xe về mà không có thùng rỗng?
Thật ra trước đây đã có những công ty tài xế, doanh nghiệp tài xế, có những công ty vận tải, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp nhỏ, xí nghiệp vận tải, thậm chí là các tài xế hoạt động độc lập theo cách rất truyền thống, như là gọi điện, truyền miệng để booking shipment, chuyển từ điểm A đến điểm B thôi, nội thành hay liên tỉnh gì đó. Ít khi người ta biết được chiều về thì lấy hàng đâu ra để về, mà làm sao tính toán được để nó khớp thời gian ví dụ mình đi hết một ngày thì lúc về làm sao để có hàng, không ai biết được tài xế đi từ điểm A đến điểm B và về khi nào cả.
Nên solution mà Logivan đưa ra là xây dựng một hệ thống. Một tài xế hoặc 1 doanh nghiệp tham gia vào thì tất cả các activities của họ sẽ được hiển thị trên hệ thống. Lúc đó thì mình hoàn toàn có thể biết được là khi nào họ đi từ điểm A đến điểm B và các đối tác, khách hàng của mình người ta cũng biết được là thời điểm nào có thể chuyển hàng quay ngược lại. Vì biết trước được tất cả mọi thứ nên họ có thể bắt nhịp được order đó hoàn toàn bằng công nghệ. Và chúng tôi cũng có sử dụng các hệ thống AI để optimize giá cả để có thể phù hợp nhất với nhu cầu.
Các bạn lập trình viên khi join vào team của LOGIVAN thì sẽ gặp những khó khăn gì và học được những gì?
Ngành nghề nào cũng đều thú vị cả nhưng logistic có một điểm rất đặc biệt là khi release một giải pháp xong nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khách hàng ngay lập tức, vì ngày nào cũng có hàng trăm nghìn shipment, nên chỉ cần mình update version là nó ảnh hưởng luôn đến tài xế do họ sử dụng những giải pháp, ứng dụng của mình. Đó là điều thú vị mà rất nhiều các bạn trẻ khi join vào Logivan sẽ thực hiện các mission đó.
Tại Logivan, mission được đề cao nhất đó là sẽ không chuyến xe tải nào phải chạy thùng rỗng về và tất cả các bạn tham gia đều rất thích thú với vấn đề đó. Sau khi tham gia vào team rồi còn có rất nhiều các bài toán khác nữa, sử dụng AI, sử dụng big data, xây dựng các app trên mobile app, trên web. Còn về việc sẽ học được những gì thì ở bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ cần bạn tham gia vào thì sẽ học được những thứ cần thiết.
Đối với lĩnh vực logistic, các bạn cần phải có được những cảm xúc và tư duy nó hơi đặc biệt một chút do nó ảnh hưởng đến khách hàng ngay lập tức và nhìn thấy kết quả ngay. Đặc biệt là nó cần tư duy nhiều hơn, ví dụ như một bạn làm quản lý hay dev mới vào Logivan sẽ được đi một chuyến để trực tiếp trải nghiệm cùng các tài xế để cảm nhận được chuyến vận chuyển đó thực tế nó như thế nào. Khi hiểu được điều đó thì mình sẽ hiểu được cung – cầu, hiểu được vấn đề thì mình làm sản phẩm mới sát được vấn đề, mới giải quyết được bài toán.
Ngoài ra, còn điều gì thu hút ứng viên join vào team mình?
Công ty nào cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhân viên của mình, ở Logivan cũng vậy. Với Logivan thì việc đầu tiên thu hút nhân tài chính là mission để giải quyết bài toán logistic. Còn khi đã vào rồi thì sẽ có các điều kiện như sau: Thứ nhất là môi trường rất năng động, trẻ trung và rất nhiệt huyết, vì thường thì các bạn đã chọn cái ngành rất đặc biệt này đều rất yêu thích, vì thích nên mới vào, cho nên các bạn làm việc rất nhiệt huyết luôn, làm không kể thời gian.
Thứ 2 nữa là có những bài toán khó để làm, nhất là với các bạn dev vào mà không thấy có bài tập khó sẽ cảm thấy nhàm chán nhưng mà anh make sure luôn là logistic sẽ có rất nhiều bài toán khó để làm. Và các phúc lợi khác cũng rất cạnh tranh, đặc biệt là có một CTO điển trai, vui tính và rất nhiệt huyết, máu lửa với những kinh nghiệm của mình.
Theo anh dự đoán thì trong vòng 5 năm tới, ngành nghề nào sẽ chiếm ưu thế?
Thật ra trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì những ngành hiện tại đã nổi lên rồi và trong 5 năm tới thì mình nghĩ AI và Internet of Things là 2 cái chiếm ưu thế lớn nhất, thị trường có nhu cầu cao nhất về nguồn nhân lực. Sau đó là đến những thứ như fintech cũng nằm trong top 3 những ngành nghề mà các bạn trẻ nên để ý.
Thậm chí ngay cả những bạn CTO muốn định hướng lại nghề nghiệp của mình cũng có thể để ý tương lai của 3 ngành này, nên có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ. Mình cảm thấy mình thích cái gì, thiếu cái gì để tập trung trau dồi, học hỏi những kỹ năng cần thiết để có cơ hội làm việc, nếu không thì càng về sau sự cạnh tranh của nguồn nhân lực sẽ càng lớn.
Anh nghĩ như thế nào về việc một số startups công nghệ khẳng định ứng dụng AI, IoT trong sản phẩm của mình?
Không chỉ startup mà mình nghĩ công ty nào cũng muốn áp dụng những công nghệ hiện đại vào trong quản lý để tối ưu vận hành, riêng với startup công nghệ thì mình có lời khuyên chân thành như thế này: Nếu như startup đang ở giai đoạn thắt chặt về chi phí, chưa có nguồn lực dồi dào mà chỉ tập trung vào sản phẩm thì mình nghĩ chưa cần theo đuổi những công nghệ quá tốn kém về mặt chi phí, AI, IoT, Cloud… tất cả đều tốn kém.
Nhưng trong 3 cái này thì mình thấy Cloud cũng không phải quá tốn kém nên có thể xem xét áp dụng được, những sponsor từ các công ty công nghệ lớn như Google, họ có thể tài trợ cho mình những gói miễn phí để hỗ trợ setup thì mình nên cố gắng tận dụng cái đó. Vì khi mình tự tin áp dụng AI hay Cloud vào quy trình quản lý nếu áp dụng hiệu quả thì chắc chắn sẽ giúp chúng ta vận hành thông minh hơn, tự động hơn thì sẽ giảm chi phí về mặt con người, tăng thời gian vận hành.
Khi mình có nguồn vốn đầu tư rồi thì cứ mạnh dạn đầu tư vào AI, IoT và cả Cloud luôn. AI giúp chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý, vận hành và phát triển sản phẩm được thông minh hơn. IoT thì nó liên quan về hardware, giải pháp giúp mọi thứ vận hành ổn định hơn. Đơn giản như bài toán xây dựng hệ thống chấm công tự động bằng nhận diện gương mặt, nếu các startup áp dụng được sẽ giúp tối giản quy trình chấm công hiện tại. Nó đem lại sự hứng thú cho nhân viên vì dù sao thì chúng ra cũng là một công ty công nghệ. Cloud hiện tại được sử dụng để đảm bảo các dữ liệu của mình được bảo vệ và không tốn nhiều nguồn lực về mặt con người.
Anh có thể chia sẻ những thử thách mà LOGIVAN đang gặp phải khi bắt đầu sử dụng AI cho sản phẩm không?
Bất cứ công ty nào cũng vậy khi bắt đầu đưa AI vào thì khó khăn nhất là data, làm sao đủ để đưa ra những dự toán đúng nhất. Khó khăn nhất của Logivan chính là cần nhiều dữ liệu vận hành và củng cố những data quan trọng của khách hàng, viết những thuật toán chuyên nghiệp nhất, làm việc với những dữ liệu ít hơn so với mong muốn một cách tương đối. Hiện tại các dữ liệu của Logivan khá nhiều, khá đa dạng, mô hình AI của Logivan cũng khá là ổn.
Lời khuyên đến từ chuyên gia Logistic
Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn kỹ sư trong việc định hướng nghề nghiệp sau này không?
Nhất là các bạn vừa mới ra trường và các bạn ra trường được 1, 2 năm, Giáp cảm thấy các bạn bị vướng vấn đề về định hướng nên nhân tiện đây Giáp cũng chia sẻ luôn là các bạn đừng quá quan trọng nó. Khi chúng ta còn trẻ, cứ thoải mái mà lựa chọn chứ đừng quá cân nhắc là à cái này nó có thật sự hay không, banking có hay hay không, financial thật sự có ổn không hay là logistic thì nó có gì thú vị không? Khi chúng ta cứ mãi băn khoăn suy nghĩ thì cơ hội nghề nghiệp nó đã rơi vào tay người khác rồi nên hãy quyết định thật nhanh và đừng có đắn đo để chúng ta trải nghiệm.
Sau 1 năm, 3 năm khi các bạn đã trải nghiệm đủ rồi thì sẽ có các mindset khác, cách nhìn khác đến lúc đấy các bạn sẽ chọn đúng cái mà mình thích. Ví dụ có bạn sau 3, 4 năm cảm thấy mình chỉ thích mỗi logistic thôi thì các bạn join vào, các bạn khác thì thích làm về financial, fintech,… mỗi người sẽ có một lựa chọn khác nhau. Cho nên là khi còn trẻ mình cứ thoải mái đi, có cơ hội thì cứ join vào để trải nghiệm.
Đối với các doanh nghiệp, startups Việt thì anh có lời khuyên nào không?
Đối với startup thì việc định hướng cho sản phẩm rất quan trọng nhưng cũng đừng quá quan trọng nó lên. Trong vòng 2 – 3 năm đầu hầu hết các startup đều loay hoay với việc buildup sản phẩm, thậm chí chúng ta phải làm đi làm lại, sai rất nhiều thì cũng đừng ngần ngại việc đó, mình cử thử đi, cứ làm đi, làm 10 lần thì sẽ có một lần mình cảm thấy nó đúng nhất, ổn nhất, fix với tưởng tượng nhất thì mình focus vào.
Mình thấy có nhiều startup cứ cố bảo vệ quan điểm ngay từ đầu là chúng ta chỉ làm đúng với sản phẩm mà mình đề ra từ đầu thôi và không chịu thay đổi, thậm chí là bảo thủ trong việc thay đổi. Như vậy thì rõ ràng chúng ta sẽ bị đào thải vì bạn cứ giữ khăng khăng một cái ý tưởng ban đầu, sợ không dám thay đổi và cứ bảo thủ với quan điểm của mình thì chắc chắn sẽ bị đào thải vì sản phẩm nó không fix với môi trường đó.
Và đối với startup công nghệ có một điều rất quan trọng và rõ ràng là chúng ta phải tập trung vào công nghệ, có nhiều startup xuất thân là công nghệ nhưng khi quay cuồng với bài toán về business, về doanh thu, về lợi nhuận thì các bạn bỏ quên mất công nghệ là cốt lõi giúp các bạn tạo ra được sản phẩm tốt, tạo ra dịch vụ tốt giúp đem về lợi nhuận cho công ty.
Thêm nữa là startup thì nên có tầm nhìn, tất nhiên là nó không quá xa vì mình biết bản thân startup là không ổn định. Nhưng mình phải có tầm nhìn xa một chút để định hướng về mặt sản phẩm, thị trường. Hơn nữa định hướng đó sẽ cho bạn một kế hoạch rõ ràng hơn, các bạn sẽ cần nhân sự như thế nào, cần tổ chức về con người làm sao, phát triển theo mô hình nào, sẽ có những công cụ giải pháp gì. Các startup luôn bảo là mình cứ làm một cách thoải mái, tự do đi, đến đâu thì đến mà quên mất là mình có những công cụ rất đắc lực có sẵn, thậm chí là miễn phí, như các bạn có thể dùng các công cụ quản lý về công việc, rồi chúng ta có thể áp dụng các opensource về AI, sử dụng AI chúng ta có thể tối ưu bài toán business của mình lên, tối ưu về mặt quản trị, các tool về management, sử dụng các mô hình phát triển sản phẩm đang rất phổ biến.
Một vấn đề cuối cùng là quản lý tài chính, cần phải biết là giai đoạn nào mình cần tuyển bao nhiêu người, nên cân nhắc điều đó để startup có thể đi dài dài một chút, có thể đạt được thành công.
Cá nhân anh thường trau dồi kỹ năng và kiến thức từ những nguồn nào?
Muốn đi xa hơn trong lĩnh vực công nghệ thì phải liên tục học hỏi, học từ môi trường làm việc, học từ môi trường internet và từ sự chủ động học tập của bản thân, đọc sách về công nghệ, về business. Bây giờ đã là thế giới phẳng, chúng ta có thể search Google, Youtube có rất nhiều thứ để mình học, quan trọng là chúng ta có thích và chủ động làm điều đó hay không, chúng ta dành thời gian bao nhiêu một ngày để làm điều đó. Riêng bản thân Giáp ngày nào cũng liên tục học tập, có thể xem 1, 2 clip trên Youtube về ngôn ngữ lập trình, solution rất hay, hay những clip giới thiệu về các clip mới nhất của Google, Facebook, Microsoft mình cũng nên tham khảo. Ngoài ra có một keypoint đó là practice, đọc nhiều, nghe nhiều cũng không bằng dành thời gian để làm dự án, bài tập. Khi tự làm thì mình sẽ tìm ra được những phương pháp tốt nhất để trau dồi và giải quyết các dự án khó sau này.
Xin cảm ơn những chia sẻ rất bổ ích từ anh Lê Văn Giáp. Hy vọng với những công nghệ từ các doanh nghiệp, ngành Logistic của Việt Nam sẽ ngày càng tối ưu về cả chất lượng và chi phí. Đón chờ những số tiếp theo tại TopDev TV để học hỏi những kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành.
Xem thêm các việc làm engineer hấp dẫn tại TopDev