Hiểu đúng về hai bên “cán cân” của một Project Lead

1365

Về diễn giả

  • Anh Mai Vui đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực phần mềm.
  • Hiện tại anh đang công tác tại công ty Persol Process & Technology Vietnam, trụ sở chính tại Nhật và mình làm việc tại chi nhánh ở TPHCM.
  • Công việc chính là các dự án tuyển dụng nhân sự – “săn đầu người”, dự án được triển khai cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore.

Anh có thể giới thiệu rõ hơn về công ty và công việc của mình được không?

Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là phần mềm cung cấp các giải pháp về công nghệ thông tin, cung cấp các phần mềm ứng dụng cho thị trường, chủ yếu là thị trường Nhật Bản. Hiện nay công ty cũng đã khai phá thêm các thị trường khác ở châu Âu. Bên cạnh đó công ty cũng cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin một cách toàn diện ở các lĩnh vực tài chính, quản lý doanh nghiệp.

Anh có thể chia sẻ đôi chút về dự án anh và team đang thực hiện không? Chẳng hạn như những dự án, kỷ niệm vui nào khiến cả team phải “vùi đầu” vào?

Hiện anh đang làm dự án về tuyển dụng nhân sự, mục đích chính là để tư vấn viên có thể tìm được những ứng viên phù hợp cho job của mình. Dự án đã được triển khai và hoạt động ở khá nhiều nước.

Dĩ nhiên là dự án nào cũng sẽ có điểm phức tạp riêng, dự án này không khó bằng dự án trước đây mình làm là thiết kế hệ thống kiểm soát các thiết bị trong tòa nhà cho một công ty ở Mỹ. Dự án này không quá khó nhưng đòi hỏi tính bảo mật rất cao. Từ lúc sản phẩm bắt đầu cho đến khi nó hoàn thiện, sau 3 năm hoạt động nó nằm trong top 3 sản phẩm bán chạy của thị trường Mỹ.

Anh có sử dụng mô hình nào để quản lý công việc của team không?

Mình đã áp dụng mô hình scrum để quản lý công việc trong hơn 5 năm rồi. Những lợi ích khi quản lý bằng mô hình scrum giúp mình dự đoán được khoảng thời gian làm việc của một dự án, mình sẽ biết được thời điểm cần hoàn thiện của mỗi task, assign tasks cho các member rất rõ ràng. Chỗ nào, vấn đề nào đang gặp khó khăn, mình có cần join vào để giúp các bạn hay không, tất cả các tính năng giúp project của mình hoạt động rất trôi chảy. Mình sẽ không gặp vấn đề mà các công ty outsourcing hay gặp là release, khiến mình chậm tiến độ trong việc bàn giao sản phẩm cho khách hàng.

Ở góc nhìn cá nhân cùng kinh nghiệm của bản thân, anh có nghĩ Machine Learning là lĩnh vực tiềm năng khi làm outsource không?

Đây là khái niệm đang rất phổ biến. Công nghệ phần mềm đang phát triển mạnh, thế giới đã phát triển machine learning rất nhiều rồi trong khi ở Việt Nam mình chỉ mới bắt đầu thôi, mình tin là khoảng 2, 3 năm nữa thôi nó sẽ nở rộ ở Việt Nam. Machine Learning không khó nhưng đòi hỏi sự đón nhận từ người dùng thì mới có thị trường để phát triển.

Hiện tại nhu cầu cho các sản phẩm có ứng dụng machine learning ở Việt Nam như thế nào so với quốc gia khác?

Theo mình thì hiện tại machine learning vẫn chưa được ứng dụng nhiều do nhiều nguyên nhân:

  • Thứ nhất là lực lượng làm việc trong mảng machine learning chưa cao, chủ yếu vẫn là nghiêng về lĩnh vực làm việc truyền thống.
  • Thứ hai là thị trường cần các sản phẩm machine learning này chưa nhiều, trước tiên là cần có phần mềm chuyên biệt. Hy vọng sắp tới Việt Nam sẽ có nhiều sự thay đổi hơn để áp dụng machine learning nhiều hơn vào lĩnh vực phần mềm.

Đơn cử như hệ thống thu phí trên đường cao tốc, với một phần mềm bình thường chắc chắn sẽ không thể nào làm được. Vì khi chụp hình ở tốc độ cao do xe không dừng để lấy được biển số sẽ rất khó nên mình phải làm để có thể ứng dụng machine learning vào đọc hình ảnh. Kể cả là chữ số bị nhòe nhưng máy vẫn nhận diện được biển số vì đã được học rồi.

Hoặc chẳng hạn trong lĩnh vực ngân hàng, hiện tại mỗi người đều có rất nhiều thẻ ngân hàng, nếu trong thời gian tới mình có thể ứng dụng machine learning vào để rút tiền hay thao tác bằng cách nhận diện gương mặt sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Theo mình biết hiện nay đang có một ngân hàng tại Việt Nam đang triển khai hệ thống này.

Hiện nay team anh có đang outsourcing ứng dụng nào liên quan đến machine learning không?

Hiện nay ở team Việt Nam thì vẫn chưa có, còn site bên Nhật đã có ứng dụng rồi.

Hiện tại anh đang sử dụng công nghệ nào trong quá trình làm việc?

May mắn cho mình là từ lúc ra trường đến giờ mình không phải chuyển đổi công nghệ nhiều, chủ yếu là sử dụng DockNET. Mình tiếp cận DockNET từ lúc còn là sinh viên, ra trường đi làm và cho đến giờ vẫn chỉ sử dụng DockNETthôi. Đây vừa là ưu điểm cũng vừa là nhược điểm. Ưu điểm là mình sẽ hiểu biết rất sâu về công nghệ đó nhưng hạn chế là ngoài DockNET, mình sẽ không biết nhiều đến các ứng dụng khác.

Theo anh, sinh viên mới ra trường nên học rộng hay học sâu (về các ngôn ngữ lập trình, công nghệ)?

Theo quan điểm của anh thì nên học sâu. Nếu em muốn biết nhiều thì trong quá trình em đi làm việc ở công ty em sẽ học được nhiều thứ hơn. Với dự án này em làm công nghệ này, dự án kia em làm công nghệ kia thì tự động trong quá trình làm việc em sẽ được tích lũy nhiều công nghệ khác nhau, kiến thức về phần mềm sẽ rộng hơn.

Còn nếu không học sâu em sẽ không có nền tảng để tự học được. Mà với ngành công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vực công nghệ phần mềm, nếu em không tự học được thì tự động em bị đào thải. Vì công nghệ phát triển liên tục và không ai dạy em những điều đó cả.

Anh có lời khuyên nào về career path cho các bạn học lập trình mới ra trường hoặc có kinh nghiệm 2 – 3 năm không?

Theo anh thì khi mới ra trường các bạn nên tham gia vào những công ty nào mang tính thách thức một chút, đòi hỏi khả năng sáng tạo nhiều hơn thay vì chỉ làm theo những công việc đã được setup sẵn. Vì nó sẽ khiến bạn không thể nâng cao được kỹ năng của mình.

Bạn nên chọn những công ty có nhiều project để có cơ hội và môi trường để nâng cao kỹ năng của mình, đồng thời sẽ được học những công nghệ mới. Vì có nhiều dự án sẽ đòi hỏi các công nghệ mới để áp dụng và thực hiện.

Nếu theo career path như anh gợi ý thì sau bao lâu có thể trở thành Project Lead?

Điều này phụ thuộc khá nhiều vào kỹ năng cá nhân. Trước tiên là bạn cần có nền tảng cơ bản về lập trình, sau đó bắt đầu vào làm ở các dự án trong khoảng 2 – 3 năm, lúc này bạn đã có background khá tốt về mặt công nghệ rồi. Nhờ vậy bạn sẽ có kỹ năng làm việc tốt, khả năng quản lý task cũng khá ổn và học hỏi thêm được các kinh nghiệm từ leader và những người đi trước. Với một lộ trình như thế thì anh nghĩ em sẽ mất khoảng 5 năm thật sự cố gắng làm việc, học hỏi và nghiên cứu để lên vị trí Project Lead.

Theo anh kỹ năng quản lý là điều cần có cho một Project Lead tốt hay chỉ cần kỹ năng chuyên môn tốt la đủ?

Thật ra để có thể làm một project lead tốt chắc chắn sẽ đòi hỏi em ở 2 khía cạnh là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Có thể bạn nghĩ rằng khi mình đã là lead thì không cần phải làm nữa mà chỉ cần bàn giao và giám sát tasks của mọi người là được thì không hẳn. Bạn vẫn cần phải biết về technical vì sẽ có các vấn đề phát sinh trong project mà bạn cần tìm ra hướng giải quyết, phải dự đoán được có khả năng xảy ra bug hay không, và phải fix bug như thế nào.

Do đó, điều kiện cần là một leader phải giỏi về technical và điều kiện đủ chính là kỹ năng mềm. Bạn phải có kỹ năng quản lý tasks tốt để có thể bàn giao task cho người phù hợp nhất, để đến khi kết thúc thì các task có thể bổ trợ cho nhau và hoàn thành được dự án.

Trong quá trình làm outsourcing với khách hàng, anh có kỷ niệm hay bài học đáng nhớ nào không?

Làm outsourcing thật sự sẽ không được “êm đềm” như khi tạo ra product cho chính công ty của mình. Outsourcing đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều dự án cần phải chuẩn bị và áp lực về deadline cũng rất lớn. Đôi khi sẽ gặp phải trường hợp đã đến deadline trả product nhưng vẫn chưa hoàn thành project do bị bug. Nên mình phải vận động các staff tăng ca cùng mình để giải quyết.

Việc OT chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến vấn đề cá nhân của các devs, nên là một người lead bạn cũng cần có kỹ năng để thuyết phục nhân viên cùng giải quyết vấn đề với mình. Mình cũng từng gặp trường hợp này khi phải làm việc đến 3 giờ sáng để hoàn thành dự án và release kịp tiến độ vào sáng hôm sau. Đôi khi làm dự án mình phải chấp nhận những đánh đổi và hi sinh như thế.

Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn vị trí Project Leader?

Trước tiên là bạn cần chịu khó chỉnh sửa lại CV chỉnh chu hơn, update lại những thông tin gần nhất mà bạn đang làm, ưu tiên những dự án mới để người phỏng vấn có thể dễ dàng quan sát được kinh nghiệm của bạn. Và tự tin là một trong những yếu tố quan trọng của buổi phỏng vấn thành công.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu sơ qua về thông tin công ty và vị trí đang ứng tuyển đòi hỏi những kỹ năng gì, tự đánh giá xem mình có thể đáp ứng được những kỹ năng đó không. Tốt nhất nên từ 70% trở lên, vì nếu dưới 70% thì sẽ khó khăn hơn cho bạn vì với vị trí leader, những kỹ năng đòi hỏi rất cao và việc phỏng vấn tuyển chọn cũng rất kỹ.

Ngành CNTT chưa bao giờ hết nóng, song các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lập trình viên phù hợp. Theo anh nguyên nhân của vấn đề nằm ở đâu?

Lượng nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ phần mềm của Việt Nam hiện tại rất nhiều và số lượng trường đại học đào tạo ngành CNTT cũng rất lớn, tuy nhiên chất lượng đầu ra lại không cao. Có nhiều lý do khác nhau cho vấn đề này, thứ nhất là không có nhiều thời gian để học chuyên sâu vào một lĩnh vực vì quá nhiều môn học dàn trải. Thứ hai vì người học chưa thật sự chăm chỉ tự research để tìm hiểu và nghiên cứu thêm, và nguyên nhân thứ 3 có thể là trở ngại về tiếng Anh vì đa phần tài liệu của ngành CNTT đều là tiếng Anh.

Do đó, khi tìm việc, các bạn sẽ không được nhà tuyển dụng đánh giá cao vì không thật sự hiểu rõ một lĩnh vực như những gì họ mong đợi. Tùy theo nhu cầu tuyển fresher hay senior của công ty mà ứng viên có thể lựa chọn để phù hợp nhất với khả năng của mình.

Tuy nhiên, đa phần các công ty outsourcing sẽ không ưu tiên fresher vì sẽ mất thời gian để training trong khi dự án phải được hoàn thành chỉ trong vài tháng. Mĩnh nghĩ đó là một số nguyên nhân khiến dù lượng nhân lực khá lớn nhưng việc tuyển dụng vẫn gặp khó khăn.