Đâu chỉ mỗi Bitcoin, công nghệ Blockchain còn nhiều ứng dụng hơn thế!

1782

Khi nhắc đến blockchain, lập tức mọi người thường nghĩ ngay đến các loại tiền mã hóa, chẳng hạn như bitcoin. Tuy nhiên, blockchain lại là công nghệ tạo ra tiền mã hóa nhưng bản thân công nghệ này không phải là tiền mã hóa như cách mà chúng ta hay đánh đồng. Vậy blockchain và bitcoin có sự liên quan gì với nhau? Và công nghệ blockchain có phải chỉ dừng lại ở mỗi ứng dụng bitcoin hay không thôi?

Blockchain không phải là Bitcoin!

Mọi dữ liệu trên mạng đều có thể bị sao chép bất cứ lúc nào. Bình thường khi cần giao dịch trực tuyến, chúng ta sẽ phải cần đến một bên trung gian thứ ba thật đáng tin tưởng (chẳng hạn như: ngân hàng, một công ty trung gian hoặc công ty vận chuyển…) nhằm chống lại sự gian lận với một cơ sở dữ liệu tập trung để xác minh cho giao dịch đó. Đến khi blockchain (blockchain technology) ra đời, loại công nghệ mới này đã giúp giải quyết được bài toán (double-spending) mà không cần tới bên trung gian thứ ba tin cậy.

Như đã từng đề cập ở phần đầu bài, bitcoin chỉ là một ứng dụng của công nghệ blockchain (mỗi giao dịch bitcoin cũng chỉ là một tập tin) chứ không thể hiểu ngược lại blockchain là bitcoin. Để hiểu rõ hơn một phần về định nghĩa blockchain, bạn có thể đọc bài viết liên quan Blockchain là gì? Phân loại và định nghĩa đúng về lập trình blockchain

Chính vì cái tên bitcoin trở thành một thuật ngữ được nhắc đến rộng rãi trong khoảng gần một thập kỉ trở lại đây, đồng thời cũng là ứng dụng hữu ích đầu tiên được biết đến từ công nghệ blockchain nên nhiều người vẫn bị hiểu nhầm cả hai định nghĩa này là tương đồng. Vậy ngoài bitcoin ra thì blockchain còn được ứng dụng vào những ngành nào nữa hay không? Câu trả lời là “Có”. Cụ thể hơn có thể kể đến các ngành như ngành vận tải biển, ngành ngân hàng, ngành tạp hóa, ngành luật pháp… Và để lý giải tại sao blockchain lại đặc biệt và có nhiều sức mạnh đến vậy, hãy tìm hiểu về hệ thống sau đây của blockchain.

Bitcoin chỉ là một ứng dụng của công nghệ blockchain

Phân loại hệ thống blockchain, bao gồm 3 loại chính:

  • Public: Dạng hệ thống cho phép bất kì người dùng nào cũng có quyền đọc và ghi dữ liệu trên blockchain. Quá trình xác thực giao dịch này cần đòi hỏi phải có hàng nghìn nút hoặc hàng vạn nút để tham gia. Nếu như ai đó muốn tấn công vào hệ thống này thì điều đó dường như rất khó xảy ra, bởi lẽ đây là điều bất khả thi vì chi phí khá cao. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum…
  • Private: Đối với private blockchain thì người dùng chỉ được quyền đọc dữ liệu mà không có quyền ghi vì điều này còn thuộc về bên tổ chức thứ ba tuyệt đối tin cậy. Tổ chức bên thứ ba này toàn quyền quyết định mọi thay đổi trên blockchain; có thể hoặc không cho phép người dùng đọc dữ liệu trong một số trường hợp. Ở private blockchain, thời gian xác nhận giao dịch khá nhanh vì không đòi hỏi quá nhiều thiết bị tham gia xác thực giao dịch mà chỉ cần một lượng nhỏ. Ví dụ: Ripple là một dạng của hệ thống private blockchain, với 20% nút được hệ thống cho phép là gian dối, còn lại 80% chỉ cần hoạt động ổn định là được.
  • Permissioned: Hay còn gọi là Consortium, cũng là một dạng của private nhưng có một số tính năng nhất định được bổ sung thêm, kết hợp giữa một bên là “niềm tin” khi tham gia vào public và một bên là “niềm tin tuyệt đối” khi tham gia vào private. Ví dụ: Các ngân hàng hay tổ chức tài chính liên doanh sẽ sử dụng blockchain cho riêng mình.

Những ứng dụng thực tế của công nghệ blockchain

Công nghệ blockchain không chỉ dừng lại ở ứng dụng bitcoin mà còn rất nhiều ở lĩnh vực khác. Vậy các ứng dụng thực tế nào đã và đang áp dụng công nghệ này hiện nay?

Hợp đồng quản lý và hợp đồng thông minh (Smart Contract)

Mọi ngành công nghiệp đều phụ thuộc nhiều vào hợp đồng. Đối với các bên tổ chức tài chính, ngành bảo hiểm, lĩnh vực bất động sản, xây dựng, giải trí và pháp luật, sẽ đều có thể tận dụng công nghệ blockchain cho việc cập nhật, quản lý, theo dõi và bảo mật các hợp đồng.

Hợp đồng thông minh (smart contract) là những bản hợp đồng số được viết bằng code trên nền tảng blockchain và dùng để thực hiện trao đổi tài sản ảo, dịch vụ, cổ phiếu… một cách minh bạch, rõ ràng mà không cần đến sự tham gia của một bên trung gian nào. Bằng phương pháp mã hóa này, các văn bản pháp lý truyền thống có thể được thay thế nhờ ứng dụng công nghệ blockchain. Một ví dụ cụ thể có thể thấy là đa số các mã token ICO hiện nay được phát hành đều nhờ đến việc sử dụng các “Smart Contract”.

Lĩnh vực tài chính, hệ thống xử lý thanh toán

Trong hệ thống xử lý thanh toán của các công ty, blockchain mang lại một tác động rất lớn, có khả năng loại bỏ sự cần thiết của một bên trung gian thứ 3. Vốn dĩ trước đây ở các quy trình thanh toán thường phải nhờ sự can thiệp vào một tổ chức thứ 3 nhưng giờ đây khi có ứng dụng công nghệ blockchain, việc chuyển khoản có thể diễn ra nhanh chóng và tức thì.

Quản lý chuỗi cung ứng

Một số chuyên gia tin rằng blockchain có thể trở thành “hệ thống vận hành chuỗi cung ứng”. Để quản lý một quá trình có sự thay đổi chủ sở hữu đối với một loại tài sản nào đó hoặc trạng thái tài sản thì lựa chọn lý tưởng nhất ở đây chính là nhờ công nghệ blockchain.

Trong chuỗi cung ứng, blockchain cho phép cập nhật trạng thái ngay lập tức và tăng tính bảo mật và tính minh bạch. Dù cho ở bất kì ngành nào đi nữa cần theo dõi chuỗi cung ứng thì đều có thể nhờ đến blockchain – một hệ thống cho phép sự theo dõi kịp thời, chính xác và không thể phủ nhận.

Một ví dụ thực tế có thể kể đến là Walmart và Trung tâm an toàn thực phẩm ở Bắc Kinh. Họ đã áp dụng công nghệ blockchain để theo dõi chi tiết nguồn gốc trang trại, số lô, dữ liệu chế biến và nhà máy, ngày hết hạn, nhiệt độ lưu trữ và chi tiết vận chuyển đối với thịt lợn.

Bảo vệ quyền sở hữu tài sản

Để khẳng định quyền sở hữu tài sản thì công nghệ blockchain có thể giúp bạn điều này, ví dụ như việc đăng kí bản quyền âm nhạc trên blockchain. Bằng cách tạo ra hồ sơ không thể chối cãi về quyền sở hữu trong thời gian thực, blockchain cho phép bạn bảo vệ được tài sản của cá nhân mình mà không ai được quyền sao chép hay giả mạo.

Điều này càng trở nên hữu ích hơn đối với các loại tài sản cần có biện pháp chống hàng giả, ví dụ như dược phẩm, các loại đồ xa xỉ đắt giá, kim cương, đồ điện tử.v.v… Và BlockVerify cho phép các công ty làm được điều đó – đăng ký sản phẩm của riêng mình và tạo ra sự minh bạch cho chuỗi cung ứng.

Vấn đề bảo mật, nhận dạng số hóa, hệ thống hồ sơ cá nhân và mật khẩu

Trong vấn đề bảo mật, nhận dạng số hóa, công nghệ blockchain có thể giúp ngăn chặn việc đánh cấp ID và tăng cường bảo mật dữ liệu cá nhân.

Onename, một công ty startup blockchain, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ để đăng kí và quản lý blockchain ID, họ còn cung cấp một sản phẩm có tên là Passcard – dự sẽ là khóa kỹ thuật số thay thế tất cả mật khẩu và ID cần thiết cho mỗi người, bao gồm cả giấy phép lái xe. Ngày nay có một hệ thống quản lý nhận dạng khác với tên gọi là ShoCard, có thể giúp các cá nhân và doanh nghiệp xác nhận danh tính một cách nhanh chóng.

Hiện nay, một lượng lớn dữ liệu cá nhân từ hồ sơ sinh/ tử đến giấy chứng nhận kết hôn, hộ chiếu và dữ liệu điều tra dân số đều do chính phủ quản lý. Và công nghệ blockchain có thể hỗ trợ cho việc quản lý tất cả những điều trên bằng một giải pháp hợp lý và an toàn hơn. Các tổ chức chính phủ ngày nay cũng đã bắt đầu xây dựng hệ thống nhận dạng quốc gia sử dụng blockchain, có thể kể đến các nước như Singapore, Canada, Thụy Sĩ…

Ở thời đại mà xu thế công nghệ không ngừng phát triển, ngoài blockchain ra thì rất có thể sẽ còn nhiều cuộc bùng nổ cách mạng công nghệ khác nữa. Tuy nhiên xét về thời điểm hiện nay, sức mạnh của công nghệ blockchain đã và đang dần thay đổi thế giới là một điều chúng ta không thể phủ nhận được. Và rất có khả năng trong tương lai, các ứng dụng của blockchain sẽ ngày càng tiếp tục mở rộng hơn, nhiều hơn theo một con số nào đó được ước tính bằng cấp số nhân.

Xem thêm: Các cơ hội hấp dẫn dành cho Blockchain Developer