Công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing) phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền công nghiệp 4.0 hiện nay, đồng thời cũng mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội nghề nghiệp mới, trong đó có Cloud Engineer. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem Cloud Engineer là gì và cần trang bị những kỹ năng nào để trở thành một Kỹ sư đám mây nhé.
Cloud Engineer là gì?
Cloud Engineer – Kỹ sư đám mây là người chịu trách nhiệm thiết lập, giám sát và vận hành các hoạt động hệ thống đám mây (Cloud System). Là người có kiến thức trong lĩnh vực điện toán đám mây, Cloud Engineer sẽ giúp phân tích cơ sở hạ tầng dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp hiện tại; từ đó chuyển đổi dữ liệu này sang môi trường lưu trữ đám mây trên Internet; sau đó vận hành và thực hiện các công việc bảo trì, cập nhật phần mềm.
Tại sao các tổ chức, doanh nghiệp lại cần đến vị trí Cloud Engineer?
Trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay, điện toán đám mây (Cloud Computing) đã trở thành một lĩnh vực đi đầu, mang đến sự đổi mới và nâng cao hiệu quả cho các hoạt động kinh doanh của tổ chức. Cloud Engineer được xem là kiến trúc sư của quá trình chuyển đổi này với bộ kỹ năng chuyên môn toàn diện và có hiểu biết sâu sắc về cả hoạt động của doanh nghiệp cũng như nền tảng kỹ thuật đáp ứng.
Công việc cụ thể của một kỹ sư đám mây bao gồm:
- Phân tích thực trạng cơ sở hạ tầng lưu trữ dữ liệu hiện tại của tổ chức, từ đó đưa ra đề xuất kế hoạch xây dựng và triển khai hệ thống đám mây phù hợp.
- Tiến hành triển khai chuyển đổi dữ liệu sang lưu trữ đám mây sử dụng các nền tảng điện toán đám mây phổ biến hiện nay như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure hay Google Cloud Platform (GCP).
- Vận hành, quản trị và bảo trì hệ thống đám mây của tổ chức, đảm bảo các hoạt động ổn định và hiệu quả; đồng thời áp dụng các biện pháp bảo mật chặt chẽ giúp theo dõi, giám sát và ngăn chặn rủi ro an ninh thông tin.
- Hỗ trợ tư vấn các vấn đề kỹ thuật liên quan đến lưu trữ dữ liệu đám mây đến các phòng ban, bộ phận trong tổ chức. Tạo và hướng dẫn sử dụng đảm bảo hoạt động hiệu quả ở các bộ phận của hệ thống đám mây.
- Tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới lên hệ thống đám mây hiện tại nhằm nâng cấp hoặc mở rộng khi có nhu cầu của tổ chức.
Những kỹ năng cần có của một Cloud Engineer
Để trở thành một Cloud Engineer, bạn cần trang bị nhiều kỹ năng đa dạng khác nhau về kỹ thuật cũng như làm việc nhóm, đồng thời còn luôn có tư duy cập nhật công nghệ mới trong bối cảnh phát triển và thay đổi liên tục của công nghệ điện toán đám mây hiện nay.
Cùng liệt kê ra một số kỹ năng chính mà kỹ sư đám mây cần trang bị nhé:
1. Hiểu biết về Cloud Computing
Đây là điều cơ bản nhất liên quan đến công việc của một Cloud Engineer, vì thế bắt buộc bạn cần có hiểu biết và kinh nghiệm làm việc thực tiễn đối với một hoặc một vài Cloud Provider lớn như AWS, GCP hay Azure. Các giải pháp mà kỹ sư đám mây đưa ra dành cho tổ chức sẽ xoay quanh các nhà cung cấp Cloud trên, nắm được chi tiết những gì hệ thống cloud cung cấp sẽ giúp bạn trong quá trình làm việc hàng ngày.
2. Kỹ năng lập trình (Programming)
Một kỹ sư đám mây cũng cần viết code, lập trình để tạo ra được các ứng dụng liên kết với các Cloud services (dịch vụ đám mây) như API hay Web services. Các ngôn ngữ lập trình phổ biến sử dụng ở vị trí công việc này bao gồm Python, Java hay Go.
3. Kiến thức về mạng, giao thức Internet (Networking)
Đây cũng là một kỹ năng cơ bản mà Cloud Engineer cần có do đặc thù công việc, luôn luôn chạy trên Cloud thông qua mạng nên cần có kiến thức, hiểu biết về địa chỉ IP (IP Address), các giao thức Internet (TCP/IP, HTTP, SSL, …).
4. Kỹ năng quản trị CSDL (Database management)
Các dịch vụ Cloud đều cung cấp các giải pháp quản trị dữ liệu, và vì thế để vận hành được hệ thống Cloud thì kỹ sư đám mây cũng cần biết các kỹ năng liên quan đến quản trị CSDL. Tùy vào hệ thống mà tổ chức lựa chọn, bạn cũng nên trang bị hiểu biết về RDBMS hoặc NoSQL; bên cạnh đó là các loại Storage (File, Block, Object) sẽ được sử dụng.
5. Hiểu biết về các công nghệ tự động trên Cloud
Các công nghệ tự động hóa áp dụng cho việc deploy code, đẩy nhanh các process trong chu trình phát triển phần mềm và quản lý cơ sở hạ tầng như CI/CD hay DevOps là những thứ mà Cloud Engineer cũng phải trang bị để có thể hợp tác cùng các bộ phận, team phát triển khác trong dự án.
6. Hiểu biết về Container (Containerization)
Container là những packages đóng gói ứng dụng (application) cùng các phụ thuộc cần thiết đi kèm (dependencies) để chạy được ứng dụng đó trên nhiều môi trường khác nhau, cụ thể ở đây là Cloud Platform. Cloud Engineer cần nắm được các công nghệ container như Docker, Kubernetes để có thể deploy chúng lên các dịch vụ Cloud.
7. Các kỹ năng cần thiết khác
Ngoài những kỹ năng trên thì một số kỹ năng cần thiết khác mà kỹ sư đám mây cũng cần trang bị như: hiểu biết về hệ điều hành Linux, các kỹ thuật liên quan đến bảo mật và khôi phục dữ liệu, các kỹ thuật ảo hóa giúp tạo ra nhiều hệ thống chạy ứng dụng,… Cloud Engineer đồng thời cũng là vị trí thường xuyên làm việc với các đội nhóm khác, là cầu nối và hỗ trợ các đội phát triển, vận hành hệ thống; vì vậy mà việc trang bị các kỹ năng mềm liên quan đến làm việc nhóm hay kỹ năng báo cáo cũng là điều cần thiết.
Tham khảo việc làm Cloud cao, hấp dẫn trên TopDev!
Nhu cầu tuyển dụng vị trí Cloud Engineer
Hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang thực hiện việc chuyển đổi hạ tầng cơ sở dữ liệu của mình lên cloud, vì thế mà nhu cầu tuyển dụng vị trí Cloud Engineer cũng đang tăng lên theo từng năm. Thuật ngữ Cloud Engineer có thể được các nhà tuyển dụng sử dụng chung cho một số vai trò khác nhau tùy theo tính chất công việc cụ thể theo nhu cầu của tổ chức, bao gồm:
- Cloud Architect: thiết kế các hệ thống cloud
- Cloud Software Engineer: xây dựng, triển khai các phần mềm cloud
- Cloud Security Engineer: đảm bảo bảo mật hệ thống cloud
- Cloud System Engineer: vận hành hệ thống cloud
- Cloud Network Engineer: vận hành mạng cloud
Mỗi vị trí sẽ tập trung vào một loại Cloud Computing cụ thể, đòi hỏi kỹ sư đám mây có những hiểu biết chuyên môn kỹ thuật cũng như kinh nghiệm làm việc trên từng nền tảng khác nhau. Vì lý do đó mà hiện nay không hề thiếu lựa chọn công việc dành cho các Cloud Engineer với những mức lương hấp dẫn. Theo thống kê tại Việt Nam, lương của Cloud Engineer nằm trong top đầu ngành, tương đương với các vị trí như kỹ sư AI hay chuyên viên phân tích dữ liệu. Rõ ràng, đây là cơ hội lớn dành cho các bạn đang có ý định học và theo đuổi con đường trở thành một kỹ sư đám mây trong tương lai.
Kết bài
Qua bài viết này, hy vọng các bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về vị trí Cloud Engineer, về công việc mà kỹ sư đám mây đảm nhận cũng như những kỹ năng mà họ được trang bị. Để trở thành một Cloud Engineer, bạn sẽ cần phải học hỏi rất nhiều về mặt kỹ thuật cũng như tích lũy kinh nghiệm làm việc với các hệ thống điện toán đám mây hiện nay. Mình nghĩ đây là một vị trí rất tuyệt vời và nếu có ý định, đừng ngần ngại tìm hiểu và học tập để có kế hoạch phát triển phù hợp với bản thân. Cảm ơn các bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.
Tác giả: Phạm Minh Khoa
Xem thêm: