Quá trình phỏng vấn xin việc luôn có rất nhiều vấn đề đáng nói và cần lưu tâm nếu bạn muốn nó diễn ra hoàn hảo. Với những sinh viên vừa ra trường và đang mong muốn tìm cho mình một “bến đỗ” thì đây càng được xem là cơ hội cần phải đầu tư nhiều thời gian và sức lực hơn cả. Dù đã chuẩn bị rất kỹ càng về chuyên môn và kiến thức cho buổi phỏng vấn nhưng nếu phạm phải những điều cần tránh khi phỏng vấn, có thể sẽ khiến kết quả không được như mong đợi. Vậy đâu là vấn đề cần tránh trong một buổi phỏng vấn? Tìm hiểu thêm với bài viết dưới đây nhé!
1. Đến muộn hoặc quá sớm so với giờ hẹn
Đúng giờ – đây là yếu tố cực kỳ quan trọng mà khi tìm hiểu về những vấn đề nên và không nên của một buổi phỏng vấn thành công bạn chắc chắn đã được nghe qua. Đúng giờ cho thấy bạn là người chuyên nghiệp và tôn trọng thời gian của đối phương. Điều này giúp ứng viên tạo được thiện cảm tốt hơn với nhà tuyển dụng. Thêm vào đó, việc đến trễ chắc chắn sẽ khiến bạn vội vàng và thiếu sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn hơn. Một số người thậm chí còn trở nên lo lắng và mất bình tĩnh dẫn đến quá trình phỏng vấn không còn được suôn sẻ.
Ngược lại, đến quá sớm so với giờ hẹn cũng là điều cần tránh khi phỏng vấn. Thời gian hoàn hảo nhất để xuất hiện là sớm hơn giờ phỏng vấn từ 5 – 15 phút. Vì nếu đến quá sớm, bạn có thể khiến nhà tuyển dụng bối rối vì chưa chuẩn bị xong cho buổi phỏng vấn. Thêm vào đó, khi phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi khiến cảm giác hăng hái và sự nhiệt huyết đã chuẩn bị cho phỏng vấn dần biến mất.
2. Không tìm hiểu chi tiết thông tin công ty
Trong quá trình phỏng vấn, khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến công việc, đây chính là thời điểm thích hợp để bạn tận dụng những thông tin về công ty ứng tuyển đã tìm hiểu được để trả lời. Từ những gì bạn chia sẻ, bạn sẽ được nhà tuyển dụng giới thiệu chuyên sâu hơn về quy trình hoạt động của doanh nghiệp, các vấn đề thực tế sẽ xuất hiện trong quá trình làm việc,… Đây chính là cầu nối giúp hai bên trao đổi thông tin hiệu quả hơn.
Vậy nên trước buổi phỏng vấn hãy dành thời gian để tìm hiểu những thông tin cơ bản về công ty như sứ mệnh, nhiệm vụ, giá trị,… Nếu có thời gian bạn có thể tìm hiểu thêm về cả những sản phẩm mà công ty đã tạo ra và đang lên kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Những thông tin này chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình trao đổi với nhà tuyển dụng.
Xem thêm Làm Thế Nào Để Cover Letter Ấn Tượng Hơn Với Những Ứng Viên Chưa Có Kinh Nghiệm?
3. Không có kỹ năng giao tiếp tốt
Kỹ năng giao tiếp cũng là một yếu tố quan trọng được người phỏng vấn rất lưu tâm và đánh giá xuyên suốt trong quá trình trao đổi giữa hai bên. Trong buổi phỏng vấn, hãy cố gắng thể hiện những kỹ năng của mình bằng ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng ánh mắt hay bắt tay với người phỏng vấn,…
Đây sẽ là yếu tố được nhà tuyển dụng đánh giá rất cao và tạo sự ấn tượng với họ ngay trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu và có được sự thiện cảm trong suốt quá trình phỏng vấn. Lưu ý hãy nhớ tắt chuông điện thoại trước khi vào phỏng vấn để tránh buổi phỏng vấn bị gián đoạn khi có cuộc gọi đến bất ngờ.
4. Trang phục không phù hợp
Vẻ bề ngoài là yếu tố đầu tiên tác động đến nhà tuyển dụng trước khi buổi phỏng vấn chính thức diễn ra, chính vì thế trang phục thiếu chỉn chu là một trong những vấn đề cần tránh khi phỏng vấn. Hãy chịu khó đầu tư vào trang phục để tạo cảm giác chuyên nghiệp hơn trong mắt người phỏng vấn. Không cần phải quá cầu kì hay quần áo đắt tiền, bạn chỉ cần mặc trang phục lịch sự, gọn gàng và thẳng thớm. Đừng ăn mặc quá tuềnh toàng vì chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy không hài lòng, thậm chí là khó chịu và cảm thấy không được tôn trọng.
Bạn có thể lựa chọn các trang phục công sở cơ bản nhất như quần tây hoặc chân váy đi kèm với áo sơ mi. Đây là lựa chọn an toàn nhất vì bạn vẫn chưa biết được văn hóa ăn mặc của công ty như thế nào nên đừng quá phá cách. Với các bạn nữ, không nên trang điểm quá đậm, sử dụng nước hoa có mùi hương quá nồng hoặc mặc những chiếc đầm có thiết kế và màu sắc quá nổi bật.
5. Thể hiện thái độ và câu trả lời quá tiêu cực là điều cần tránh khi phỏng vấn
Vì đây là lần đầu bạn được tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng, vậy nên hãy cho họ thấy nguồn năng lượng tích cực và thái độ lạc quan của bạn đối với các vấn đề được nhắc đến, kể cả với các câu hỏi liên quan đến công ty cũ. Hãy cố gắng giữ thái độ trung lập và hài hòa, đừng nên quá tiêu cực khi trả lời phỏng vấn.
Bên cạnh đó, đừng trả lời câu hỏi một cách quá rập khuôn. Có một số câu hỏi cơ bản mà bất kỳ buổi phỏng vấn nào bạn cũng sẽ được hỏi qua. Đương nhiên việc tìm hiểu những mẹo trả lời giúp ghi điểm với nhà tuyển dụng là rất cần thiết, nhưng bạn chỉ nên tham khảo cách trả lời và linh hoạt thay đổi cho phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng mà mình có được trong quá trình làm việc. Vì nhà tuyển dụng chắc chắn đã phỏng vấn rất nhiều ứng viên khác nhau nên điều họ cần ở bạn là sự khác biệt thay vì câu trả lời giống với những người khác. Hãy thể hiện dấu ấn cá nhân của mình nếu muốn được người phỏng vấn đánh giá cao.
Xem thêm Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Tuyển Dụng Và Cách Cải Thiện
6. Đề cập quá nhiều đến vấn đề tiền bạc
Đề cập quá nhiều hoặc nhắc đến vấn đề tiền bạc quá sớm cũng sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Đương nhiên lương thưởng là vấn đề quan trọng với mọi ứng viên, tuy nhiên điều nhà tuyển dụng muốn biết ở bạn nhiều hơn vẫn là những kinh nghiệm, khả năng làm việc cũng như mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đặt ra với bản thân mình. Sau khi ứng viên đã chia sẻ thành thật các vấn đề và nếu nhà tuyển dụng cảm thấy hài lòng, họ chắc chắn sẽ đề cập đến chuyện lương thưởng với bạn. Đây chính là thời điểm thích hợp để bạn trao đổi về vấn đề này.
Khi đã được nhà tuyển dụng trao đổi đến vấn đề lương thưởng, đây ngược lại không phải lúc để bạn thể hiện sự khiêm nhường của bản thân mà hãy cố gắng làm rõ những khoản lương thưởng của công ty. Các loại phúc lợi và lương làm thêm giờ,… hãy cố gắng trao đổi rõ ràng để được nhà tuyển dụng giải đáp mọi thắc mắc mà bạn đang gặp phải để tránh những khúc mắc về sau.
Đối với những ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn thực tế, việc mắc phải một số sai lầm khi phỏng vấn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên tham khảo thêm một số mẹo để biết điều gì nên làm điều gì nên tránh chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho một buổi phỏng vấn thuận lợi hơn. Đón đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác cùng TopDev bạn nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Kỹ năng đàm phán trong tuyển dụng? Cách phát huy kỹ năng đàm phán tối ưu
- Chia sẻ kinh nghiệm khi chuẩn bị ra trường, xin việc và phỏng vấn (Phần 2)
- Giới thiệu bản thân khi phỏng vấn – Bật mí bí quyết ghi điểm tuyệt đối
Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev