Swagger và Postman: 8 điểm khác nhau bạn nên biết

1170

SwaggerPostman là hai nền tảng phổ biến giúp chúng ta làm việc với API từ thiết kế, kiểm thử và tạo tài liệu mô tả. Để lựa chọn sử dụng công cụ nào giữa hai nền tảng trên, bạn cần nắm được những điểm khác nhau cơ bản liên quan để xem nó có đáp ứng được nhu cầu và mục đích sử dụng trong dự án hay không. Bài viết hôm nay chúng ta cùng đi so sánh Swagger với Postman để trả lời cho câu hỏi trên nhé.

Swagger là gì?

Swagger là một framework được sử dụng để thiết kế, tài liệu hóa và kiểm thử các API, nó cho phép tạo ra các tài liệu API theo định dạng chuẩn và có thể tương tác.

Swagger là gì?

Swagger cung cấp ba công cụ chính để hỗ trợ nhà phát triển bao gồm:

  • Swagger Editor: công cụ giúp tạo ra mô tả chi tiết về các API bao gồm endpoint, parameters và responses
  • Swagger Codegen: công cụ giúp tự động tạo mã thực thi các API cho các ngôn ngữ lập trình khác nhau 
  • Swagger UI: là công cụ phổ biến nhất trong Swagger, cho phép tạo các tài liệu HTML, CSS từ file cấu hình giúp cho công việc nghiên cứu và sử dụng API.

Postman là gì?

Postman là một nền tảng cho việc xây dựng và sử dụng API, nó đơn giản hóa từng bước trong vòng đời  phát triển API, từ đó giúp chúng ta tạo ra các API tốt hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Postman là gì?

Postman cung cấp các tính năng chính như:

  • API repository: lưu trữ thông tin mô tả về các API
  • API tools: thiết kế, kiểm thử, viết tài liệu hướng dẫn sử dụng các API
  • API collaboration: tạo ra các workspace khác nhau để chia sẻ thông tin các API theo nhóm làm việc
  • API governance: thiết lập các quy tắc cần tuân theo khi tạo và chạy kiểm thử API
  • API integrations: tích hợp với các hệ thống khác trong quá trình phát triển phần mềm như CircleCI, Gitlab, Jenkins, …

So sánh Swagger với Postman

So sánh Swagger với Postman

Chúng ta sẽ cùng so sánh hai công cụ này theo từng tiêu chí cụ thể sau:

1. Về trọng tâm mục đích sử dụng

Mục đích chính của Swagger là việc thiết kế, xây dựng tài liệu và chuẩn hóa các API. Yếu tố này khiến có Swagger không được sử dụng rộng rãi bởi nhiều đối tượng khác nhau như Postman mà thường được sử dụng cho các dự án liên quan đến xây dựng API. Trong khi đó, Postman phục vụ cho nhiều đối tượng khác như trong dự án, từ lập trình viên, kiểm thử viên, quản lý hay cả khách hàng cũng có thể dễ dàng sử dụng để kiểm tra API và từ đó tham gia vào quá trình phát triển các API cho hệ thống.

2. Về tính dễ sử dụng

Nếu bạn là người mới bắt đầu làm việc với Swagger, có thể bạn sẽ cảm thấy công cụ này khá khó sử dụng và cần thời gian để làm quen. Thực tế thì Swagger luôn cần đầu tư thời gian cho những thiết lập ban đầu, kể cả với những API đơn giản. Swagger đòi hỏi bạn cung cấp tài liệu về API một cách rõ ràng, chi tiết ngay từ đầu; vì thế nó có thể tạo ra sự nặng nề nếu bạn chưa làm quen và hiểu hết về công dụng của nền tảng này.

Ngược lại thì Postman cho thấy đây là một công cụ tuyệt vời dành cho những người mới bắt đầu, hay chỉ có nhu cầu đơn giản là kiểm tra xem API có hoạt động hay không. Giao diện thân thiện với những thiết lập đơn giản giúp bạn dễ dàng nhìn vào và sử dụng được ngay. Tất nhiên Postman có nhiều tính năng phức tạp mà bạn cần phải học, tìm hiểu mới có thể sử dụng; tuy nhiên về tính dễ sử dụng thì Postman vẫn được đánh giá cao hơn Swagger.

  Import RAML vào Postman

  Sử dụng Swagger UI trong jersey REST WS project

3. Về khả năng hỗ trợ API 

Swagger được thiết kế chủ yếu cho các API theo kiểu REST, vì thế nếu API của bạn không phải kiểu REST thì sẽ có thể gặp một vài vấn đề với công cụ này. Postman hỗ trợ cả RESTful services và SOAP services. Cả 2 nền tảng này đều hỗ trợ tất cả các phương thức HTTP phổ biến như GET, POST, PUT, DELETE, PATH, …

4. Về khả năng tạo tài liệu

Postman cho phép người dùng tạo tài liệu mô tả API mở mức độ cơ bản, thường sử dụng để ghi chú các thông tin cần thiết cho việc chia sẻ trong team phát triển khi sử dụng. Với Swagger, tài liệu hóa API được xem là tính năng cốt lõi của công cụ này, vì thế tài liệu API sinh ra từ Swagger có đầy đủ các tính năng toàn diện, có thể tương tác với người dùng và được dùng để làm tài liệu chính thức cho các bản mô tả chi tiết về API.

5. Về khả năng hỗ trợ sinh mã

Swagger có các bộ SDK tích hợp với nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như Java, Node.js, Ruby, Python, … giúp chúng ta có thể dễ dàng sinh tài liệu mô tả một cách nhanh chóng và hiệu quả. Từ các mô tả API, bạn cũng có thể sinh source code bằng các ngôn ngữ lập trình trong Swagger, điều này có được nhờ việc chuẩn hóa API tốt cùng nhiều khai báo thiết lập chi tiết. Postman cũng có sự hỗ trợ trong quá trình tạo và sinh mã code; tuy nhiên công cụ này chỉ hỗ trợ ở mức cơ bản.

Xem thêm việc làm PostgreSQL hấp dẫn trên TopDev

6. Về khả năng tích hợp tự động

Postman sinh ra để tham gia vào quá trình phát triển phần mềm, vì thế nó được thiết kế để tích hợp dễ dàng vào hệ sinh thái này. Nó có khả năng tích hợp nhiều công cụ DevOps khác như CI/CD (Travis CI, CircleCI), quản lý source code (GitLab, BitBucket), giao tiếp (Slack, Microsoft Teams, Trello), máy chủ (Jenkins) hay các công cụ kiểm thử khác (Selenium, Junit),… Nhiều ràng buộc cũng có thể được tích hợp vào Postman giúp nó tham gia sâu hơn vào quá trình kiểm thử API nói riêng và phát triển phần mềm nói chung. Swagger cũng có một số tính năng liên quan đến tự động hóa quy trình cũng như có thể tích hợp một vài công cụ khác, tuy nhiên nó thường được sử dụng như một nền tảng độc lập nhiều hơn.

7. Về quy mô sử dụng

Postman được sử dụng rộng rãi bởi nhiều đối tượng khác nhau trong team phát triển dự án từ Developer, Tester, BA hay cả khách hàng cũng có thể thường xuyên sử dụng. Các công ty công nghệ xem Postman là một công cụ hữu ích tham gia vào quy trình phát triển phần mềm của họ; ngoài ra, nó còn được các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm (SaaS – software-as-a-service) xem như một tính năng đảm bảo hoạt động của API trên nền tảng của họ.

Swagger thường được lựa chọn bởi các công ty, tổ chức ưu tiên việc thiết kế, xây dựng và kinh doanh xoay quanh API. Phương pháp tiếp cận là việc chuẩn hóa API ngay từ đầu bằng công cụ Swagger cung cấp, đồng thời tạo ra các tài liệu chi tiết có cấu trúc rõ ràng. 

8. Về chi phí sử dụng

Cả hai nền tảng này đều cung cấp miễn phí để bạn có thể sử dụng. Swagger là một công cụ open-source và bạn có thể tải về và triển khai chạy ở local hay server của mình. Postman cung cấp ở dạng ứng dụng có sẵn trên nhiều nền tảng khác nhau từ Windows, MacOS hay Linux. Tuy nhiên một số tính năng cao cấp liên quan đến khả năng làm việc nhóm hay hỗ trợ từ xa chỉ được tích hợp trên phiên bản có tính phí của Postman.

Với những điểm khác biệt ở trên, chúng ta có thể phần nào trả lời cho câu hỏi so sánh Swagger với Postman, nên lựa chọn công cụ nào cho dự án của bạn:

  • Nếu nhu cầu của bạn là cần một công cụ để thiết kế, chuẩn hóa cũng như tạo tài liệu mô tả API cho người dùng sử dụng; hãy lựa chọn Swagger. Những công ty lớn tập trung vào việc phát triển và kinh doanh xung quanh API cũng đang sử dụng Swagger như: MOSICA, DatamedIQ GmbH, H&R Block, Shiji Group, Keeggo, ePayPolicy, …
  • Nếu nhu cầu của bạn tập trung vào việc kiểm thử, có thể tự động hóa quá trình kiểm thử và tham gia vào quy trình phát triển của dự án thì Postman là lựa chọn phù hợp cho bạn. Thực tế hiện nay, Postman được sử dụng rộng rãi và dành cho hầu hết các đối tượng tham gia dự án. Google, Microsoft, hay Adobe cũng sử dụng công cụ này trong các team phát triển dự án của họ.

Kết bài

Qua bài viết so sánh Swagger với Postman này, hy vọng các bạn đã có thể tự tin lựa chọn cho mình công cụ sử dụng cho các công việc liên quan đến API trong dự án sắp tới. Cả SwaggerPostman đều là những nền tảng có tính ứng dụng cao và bạn hoàn toàn có thể kết hợp cả hai công cụ này giúp ích cho công việc thiết kế, xây dựng và kiểm thử API. Cảm ơn các bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Xem thêm:

Tin tuyển dụng IT mọi cấp độ trên TopDev đang chờ bạn ứng tuyển!