Mẹ ơi, con trượt rồi!

2642

Bài viết được sự cho phép của tác giả Nguyễn Việt Hưng

Tôi là một người may mắn, và tôi không phải nói câu này. Nhưng giờ đã 12 năm sau cái ngày đó (2008), nhìn lại, thì đại học mang lại cho tôi những gì? Và nếu bạn trượt đại học, thì giờ làm gì đây?

Trượt đại học thì sao?

Thì buồn.

Đấy là điều đầu tiên có thể cảm nhận được. Dù chưa trải qua, chỉ cần nhìn những đứa bạn kém may mắn hơn chúng nó buồn, thậm chí còn xa lánh mình, sẽ hiểu trượt đại học thì buồn.

Thế tại sao lại buồn?

Xã hội sinh ra một định kiến: học hết cấp 3 thì PHẢI thi đại học, và đỗ đại học là giỏi, là vinh quang, còn trượt thì là … không giỏi. Bạn sẽ bị coi như 1 kẻ kém cỏi, hàng xóm, người quen, bạn bố mẹ sẽ hỏi thăm. Và bởi vì nó đã là một định kiến xã hội, nên 1 2 con người thay đổi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cái sức ép xã hội khiến bạn phải buồn, khiến bạn nghĩ rằng mình kém cỏi, vậy nên bạn buồn. Hay đơn giản buồn vì bố mẹ/người thân bạn buồn. Ngoài ra, phải rời xa bạn bè vì chúng nó đều đi lên thành phố học hết, cũng buồn.

Nhớ rằng “học tài, thi phận”, bởi nếu như bạn được 25 điểm mà cái trường bạn chọn năm nay nó tăng nhanh như chỉ số PM 2.5 ở thủ đô, lấy hản 27 thay vì 23 như năm trước, thì đâu phải do bạn kém? Hay thằng hàng xóm được 15 điểm, đăng ký vào trường năm nay lấy 15, thì nó lại đỗ. Hay con ông kia ôn trúng tủ, còn bạn thì lệch, nó đỗ là may hơn, chứ đâu phải giỏi hơn.

Năm 18 tuổi, tôi thi đại học vì 1 lý do đơn giản: vì đấy là điều ai cũng làm sau khi học xong lớp 12. Trong cái đầu của 1 thằng học sinh miền núi đi thi được cộng thêm 1.5 điểm, không hề từng nghĩ đến câu “tại sao lại phải học đại học”, hay “học đại học để làm gì?”. Chuyện chọn trường cũng đơn giản chỉ là “thích nghịch máy tính thì vào bách khoa” chứ chả hiểu bách khoa dạy cái gì để làm với máy tính.

Thế nên bạn có thể buồn, nhưng nhớ nghĩ kỹ hơn chút, là tại sao mình phải buồn.

  Tôi trượt phỏng vấn vì đã phỏng vấn…quá tốt
  Có còn nên học Công nghệ thông tin thời điểm hiện tại?

Học đại học để làm gì

Ngày ấy, hiểu đơn giản là cứ đi đại học thôi, đi đại học là thành công, đi đại học để học đại học. Học để ra trường, kiếm được 1 tấm bằng đại học, rồi cầm về để mang đi xin việc, làm ở cơ quan nào đó.

Giờ ngẫm lại, xã hội muốn mình đi học đại học mục đích ra là để kiếm cho mình được 1 công việc, nuôi bản thân, đóng góp cho xã hội.

Cái bằng là thứ công cụ để xin việc của thời ngày xưa, là tấm vé giải độc đắc để kiếm được 1 chỗ ngon trong cơ quan toàn là cán bộ.

Còn giờ là năm thứ 20 của thế kỷ 21, tấm bằng trở nên bớt quan trọng hơn nhiều, kể cả cầm 1 tấm bằng, đi xin việc thì vẫn phải THI (hay gọi nhẹ nhàng hơn là “phỏng vấn”). Ngoài ra, rất nhiều nơi / ngành nghề, không hề quan tâm đến bằng cấp, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin.

Nếu anh giỏi, anh làm được, thì mang cái sản phẩm của mình ra mà khoe, còn anh chả có gì khoe, thì đành thôi: mang khoe cái bằng.

  • Xin chào, đây là website tôi làm ra, giải quyết vấn đề này, sử dụng công nghệ kia … app di động 1 triệu lượt tải trên app store …
  • Xin chào, em không biết code web/app nhưng em có bằng khá Bách Khoa, em chưa làm ra sản phẩm nào ngoài đoạn code tính tổng từ 1 đến 1000.

Cái bằng, không phải là mục đích của việc học đại học. Học đại học là để có được “kỹ năng”/”trình độ”, cái bằng chỉ là “bằng chứng” do trường đại học đó đánh giá, theo tiêu chuẩn của trường đó. Vậy nên nếu không học đại học, ta sẽ không có “bằng chứng” do trường đại học đó cung cấp, nhưng không hề liên quan đến chuyện “kỹ năng”/”trình độ”, thứ mà hoàn toàn có thể học ở chỗ khác.

Học đại học được gì

Nếu coi trường học như một cỗ máy, thì đầu vào là các sinh viên khá “thông minh” do điểm thi đầu vào trên mức N, còn đầu ra sẽ các kỹ sữ biết làm việc mà họ được đào tạo. Lý thuyết là vậy, còn thực tế thì khác hoàn toàn lý thuyết.

Khuôn mặt một sinh viên mùa ôn thi – Photo by Ray Hennessy on Unsplash

Nhìn lại, 5 năm đại học tôi có được:

  • Được lên thủ đô sống, làm quen với “văn minh xã hội”. Lần đầu xuống nhập học được học ngay bài học ăn phở không hỏi giá, bị chém đẹp 50k (thời 2008).
  • Những người bạn. Vui vẻ cùng nhau đến lớp ngủ, cùng nhau vượt qua các kỳ thi lại, cùng nhau uống rượu, cùng nhau đi chơi… Thứ tình bạn trong sáng (như hồi cấp 3), những người anh em chia ngọt sẻ bùi, điều mà sau này đi làm rồi, hay có gia đình riêng rồi, sẽ rất khó mà kiếm được.
  • Quãng thời gian sinh viên, học hành thì ít mà chơi thì nhiều, những va vấp nhẹ nhàng với xã hội khi lần đầu rời xa gia định đến 1 nơi xa lạ.
  • Một ngôi trường có cháo lòng, cháo sườn, bánh mì, rượu ốc ngon.
  • Những hoạt động thanh niên cấp tiến như sinh viên tình nguyện, tiếp sức mùa thi, chiếc khăn gió ấm, mùa đông không lạnh…
  • Khả năng tự học: cái này là kỹ năng tự luyện được, lôi sách lôi vở ra mà đọc mà luyện đề thi còn qua môn, chứ làm gì có ai dạy cho.

Còn kiến thức? không nhiều lắm. Những kiến thức ngày nay đi làm, đều do tôi tự mày mò, nhờ sự ham mê máy tính từ ngày còn nhỏ. Blog FAMILUG viết từ năm thứ 2 đại học là bằng chứng ấy. Tôi code Python khi ở Việt Nam chẳng mấy ai biết tên, tôi dùng Ubuntu khi mọi người còn không biết nó tồn tại.

Nói vậy không có nghĩa là 5 năm trường không dạy gì. Trường có dạy, vấn đề là bạn có học hay không? và học có giỏi hay không? Một phần nhỏ sinh viên thuộc nhóm có học, và học giỏi, ra sẽ học lên cao, xin học bổng nước ngoài, được giữ làm giảng viên, hay xin được công việc phù hợp. Nhưng nhớ là số này rất ít, một khóa học 100 sinh viên thì có 1, 2, 3, 4 thằng, chứ không phải là 20 thằng. Với nhóm này, học đại học còn có thêm cái lợi: quan hệ tốt với thầy cô, nhiều cơ hội xin học bổng du học lên cao, làm đề tài nghiên cứu khoa học cùng thầy cô … Đây là cái đầu ra mong ước, chuẩn của các trường. Số còn lại, chiếm tới hơn 90%, mới là phần đáng nói của câu chuyện.

Bằng giỏi Bách Khoa thời ấy, hiếm như khẩu trang đầu mùa COVID-19, sinh viên ra trường đúng hạn thì ít, bằng khá đã là học hành tử tế lắm rồi. Bằng khá Bách Khoa nó không nhiều nhan nhản như bằng giỏi bên kinh tế nha. Số này cỡ 2 chục người trong 1 khóa 100 người, cũng bằng số sinh viên ra trường trước hạn, bỏ học/đuổi học/quên đăng ký môn học… rồi bị đuổi.

Cái nhóm 60 sinh viên bằng “trung bình”, ra trường không đúng hạn ấy, học được gì ở trường? Năm 2008-2013+, khoa/viện toán ứng dụng và tin học Bách Khoa Hà Nội dạy:

  • 2 năm học đại cương: toán, lý, hóa, nhiệt, điện, cơ học kỹ thuật, vẽ kỹ thuật, điện tử, triết học Mac Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, … các môn học được coi là nền tảng phải có của mọi kỹ sư. Và để thêm chắc, các môn toán lý hóa có tới 5 7 môn khác nhau, lý 1 2 3 nữa cho nó chắc. Đây là thời kỳ học chán nản nhất cho các sinh viên, trượt/thi lại triền miên, bởi đây toàn những môn lý thuyết khó nhai. Có những môn học lại 10 kỳ, cho đến khi qua được thì cũng là lúc ra trường. Gọi là học, chứ thi xong là coi như trả hết chữ thầy, kiến thức cũng chẳng dùng đến bao giờ, như cách tra biểu đồ nhiệt chẳng hạn. Ở đâu đó, ai đó làm một nghề nào đó, có thể đang dùng, thậm chí là quan trọng. Sinh viên ra trường đi làm có người dùng tới có người không, nên nhớ đây là chương trình để đào tạo hàng loạt người, nên đứng dưới góc độ nhà trường, bạn thà dạy thừa còn hơn thiếu.
  • 3 năm học chuyên ngành: Toán-Tin. Hầu hết sinh viên khóa này học toán-tin đơn giản là vì trượt nguyện vọng 1, rơi tự do xuống mà vào toán tin. Bách Khoa thời ấy, học 1 năm đại cương, lấy điểm 2 kỳ đầu để xét phân khoa. Đây cũng là thời mà hận những thằng giỏi học đại cương, chúng nó nộp vào CNTT ầm ầm, chỉ đơn giản là vì ngành hot, ra dễ kiếm việc lương cao – chứ thậm chí chưa chạm tay vào máy tính 1 lần. Khoa nào nhiều người vào thì hot, điểm cao, khoa nào không ai đăng ký… thì rơi tự do. Không nhiều sinh viên vào Toán-Tin để học toán, chắc cũng là một phần lý do mà kết quả học tập cũng không mấy đẹp đẽ gì. Hơn nửa chương trình chuyên ngành 3 năm này là toán, một chút ít “tin” cho có gọi là. Sinh viên muốn làm được đồ án tin để ra trường, phải tự kiếm chỗ mà học lập trình cho tử tế (tự học mà giỏi được thì tốt, ai cũng làm được thì người ta không phải mở trường, dựng trung tâm). Đừng hy vọng sẽ được học lập trình, ra thành 1 lập trình viên chuyên nghiệp từ đây. Với những sinh viên muốn theo ngành “tin học”, thì phần toán kia rất khó nuốt, khô khan, chẳng có chỗ dùng, không có hứng học, thi khó qua, điểm sẽ thấp. Chương trình học lạc hậu, đặc biệt với các môn tin, khi mà công nghệ thay đổi hàng năm còn toán thì trăm năm mới đổi. Đây là tên vài môn toán kinh (khủng) điển: giải tích hàm, phương trình đạo hàm riêng, giải tích số, giải tích phức, toán kinh tế, các phương pháp tối ưu, hệ mờ ?!? Chất lượng giảng dạy thì rất phụ thuộc vào giảng viên, một số môn có thầy cô dạy hay, phong cách hay, lôi cuốn sinh viên học dù môn học không có nhiều tính ứng dụng thấy ngay, có môn thầy đến lớp hì hục chép đầy 6 cái bảng 9 lần rồi về, sinh viên ra vào thậm chí không biết…

Đấy là thời đó, cũng gần 10 năm rồi, thời ấy học mạng neuron và hệ mờ trên giấy, chỉ biết lấy công thức ra tính, chả ai biết để làm gì, chưa ai nghe tới Machine Learning hay Deep Learning. Còn giờ thì Toán Tin đầu vào hẳn 27.56, xin được mừng cho viện nhà.

Xem chương trình đào tạo mới tại đây thấy đã bớt được nhiều môn học nền tảngquan trọng như hóa hay nhiệt đi rồi, mừng cho các tài năng đất nước.

Nói vậy, không nghĩa là không nên học đại học. Đỗ rồi thì đi học thôi, nhưng nên thử để biết mình thích gì/hợp làm gì, mà tìm học thêm, chứ đừng thụ động ngồi chờ trường dạy cho.

Trượt đại học thì làm gì

Trượt đại học thì đi học cái khác, hoặc đi làm. Học đại học là con đường có vẻ như “dễ”/”sáng” nhất để dẫn đến “thành công”/”thành tài”, nhưng không phải con đường duy nhất. Cũng chẳng có gì đảm bảo, hàng năm sinh viên đại học, thậm chí cao học, ra trường vẫn thất nghiệp ầm ầm

Nếu muốn, nghỉ ngơi 1 thời gian rồi 3 tháng sau bắt đầu ôn thi để sang năm… chơi lại trò chơi may rủi.

Học đại học thời nay là một khoản đầu tư không nhỏ, học phí các trường công giờ cũng cao chót vót, mỗi kỳ học đóng học phí bằng 1/2 -> 1 con iPhone mới nhất vừa ra. Học 10 kỳ là 10 con (~tối thiểu 60 triệu cho 5 năm học), chưa kể thi lại, chưa tính chi phí ăn ở 4-5 năm. Nên nếu chỗ nào học phí 50 triệu, trong vòng 2 năm, hay 5 triệu trong vòng 2 tháng mà cho bạn cơ hội kiếm việc làm lương 8-10 triệu/tháng thì đừng xem là đắt, đi làm vài tháng là hồi vốn. Ngoài ra, nếu tôi học nửa năm rồi đi làm, sau 5 năm tôi có 4.5 năm kinh nghiệm, lương thừa X3 mấy cậu sinh viên mới rón rén ra trường.

Điều quan trọng là tìm ra thứ khiến mình thích thú, đam mê. Nếu có rồi, cứ thế mà học theo, nếu chưa biết, đỗ đại học, đi học 5 năm chăm chỉ ra rồi nhận ra mình không thích mới đổi, lúc ấy mới là muộn, đó mới là thất bại đáng lo.

Những thứ quan trọng cần đầu tư:

  • Ngoại ngữ: phổ biến, dễ học nhất là tiếng Anh. Dù học đại học hay không, đây vẫn là thứ quan trọng nhất. Nó mở ra cả 1 chân trời cơ hội, hàng triệu tài liệu hướng dẫn miễn phí bằng tiếng Anh trên internet, dù học bất cứ thứ gì, điều kiện làm các công việc lương cao, công ty nước ngoài.
  • Rèn luyện sức khỏe: tập gì cũng được, có sức khỏe, có cơ thể đẹp là một lợi thế cả đời, cực lớn, thậm chí giúp kiếm được nhiều công việc lương cực cao, ngàn đô 1 ngày!

Nếu muốn học ngành Công Nghệ Thông Tin, học xong đi kiếm việc làm lương khởi điểm 8-10 triệu, ghé ngay PyMi.vn để đăng ký học lập trình Python tại Hà Nội – Sài Gòn (TP HCM).

Học có 1.5 tháng mà đi làm được?

Tất nhiên là phải học, phải đầu tư thời gian, chăm chỉ luyện bài, thì học ra mới dễ xin được việc, mỗi tuần dành ~ 20 tiếng để cày cuốc bài tập. Chứ đừng nghĩ tới lớp xem giảng bài, về nhà bận đi chơi, rồi ra thì có người mời đi làm, sorry babe, ở đây không bán rượu mơ.

PyMi không chỉ dạy Python, mà sử dụng các công cụ / practice của lập trình viên trong suốt quá trình học (vd: Git/GitLab/CI/Code Review).

Lương chỉ có 8-10 triệu?

Đây là mức lương khởi điểm cho vị trí lập trình viên Python (thường là lập trình web-backend). Mức lương này ngang ngửa với sinh viên đại học mới ra trường. Còn muốn học 2 tháng ra làm lương ngàn đô, có lẽ qua bên các kênh đầu tư tài chính thì nhiều cơ hội hơn.

Sau khi đi làm 1 2 năm có thể tăng lên 15 triệu, hay $1000, và cứ thế tăng tiếp… PS: muốn > $1000, phải có ngoại ngữ tốt.

Tài liệu trên mạng đầy, lên youtube xem rồi tự học

Tự học là một kỹ năng không phải ai cũng có. Kỹ năng tự học phải luyện nhiều, mới có. Cũng chẳng phải đến đại học thì mới biết tự học. Cứ tự học nhiều (như 5 năm ở Bách Khoa) thì khác dần biết cách thôi. Nếu tự học mà hiệu quả được, đó là điều rất đáng mừng, bạn cũng không cần phải đi đại học làm gì cho mất thời gian.

  • Lên youtube xem/đọc tài liệu không hiểu thì lấy ai để hỏi?
  • Tài liệu chất lượng kém, đặc biệt các tài liệu tiếng Việt dùng Google Translate rồi paste vào. Tài liệu viết bởi những người không có trình độ, liệu bạn có phân biệt được?
  • Lên các diễn đàn/FaceBook group để hỏi rồi ngồi chờ hy vọng có ai đó tốt giúp trả lời, mà trả lời đúng hay sai cũng không chắc nữa.

Nếu lý do ngồi chờ cộng đồng trả lời sau vài ngày rồi mới học tiếp là để “tiết kiệm tiền”, thì chỉ chứng minh 1 điều là thời gian của bạn quá rẻ.

Tự học ngoài ra còn gặp một số vẫn đề như: “đâm đầu vào tường” nhiều, do không ai chỉ cho đâu là đúng sai, phải tự tìm ra, vậy nên mất thời gian hơn. Đi học, không hỏi thầy thì còn hỏi bạn, nhanh hơn rất nhiều. Ngoài ra bạn còn không biết mình không biết những gì.

Một khi đã tự học rồi, thì lo tập trung vào việc học, làm bài tập, tránh mất thời gian ít bổ ích trên các group online.

Các khóa học tiếng Anh trên mạng rẻ bèo, như Udemy

Nếu xem được mà hiểu thì trình độ tiếng Anh của bạn cũng thuộc top trên của người Việt Nam đó, chúc mừng nha. Như đã viết ở trên, nếu đã có tiếng Anh, thì toàn bộ phần còn lại chỉ là game dễ.

Các khóa học cũng có loại this, loại that. Học code mà chỉ xem video, không thò tay vào code, không có bài tập, không có sửa bài, thì chỉ là xem video.

Code là kỹ năng, muốn giỏi phải luyện tập nhiều. Làm ra phải được chấm (review), để biết là tốt hay xấu, đúng hay sai.

Học đại học 5 năm ra còn chẳng ăn ai, đòi học vài tháng

Bạn đã thấy có thằng học như điên 3 năm, học đủ cả sinh sử địa, giáo dục công dân nữa để “rèn luyện tư duy” mà trượt đại học khối A, còn có thằng đi ôn lò vài tháng, trúng tủ đỗ luôn chưa?

5 năm đại học không phải là học cả 5 năm, thời gian chơi có khi hết 4 năm rưỡi. 10 thằng học giỏi có đến 90 thằng loại bình thường.

Xem lại chương trình đại học Bách Khoa ở trên để thấy nếu muốn làm lập trình viên (nghề ghi đầu tiên trong bảng quảng cáo học Toán Tin), thì chỉ có vài môn học cuối khóa có chút liên quan, mà muốn ra đi làm được vẫn phải học thêm rất nhiều.

Học lâu mà sai không có ý nghĩa gì so với học đúng mà nhanh.

Kiến thức ở các trường đại học Việt Nam đều rất chậm thay đổi, trong khi công nghệ thay đổi hàng năm. 5 năm học, dùng C/Pascal vài ba project nhỏ ở trường sẽ khống kiếm cho bạn 1 công việc dev Python.

Giờ không biết đã trường nào dạy dùng git chưa, hay vẫn Turbo C màn hình xanh menu đỏ rồi tự hào công nghệ?

Học vậy không có “kiến thức cơ bản”/”kiến thức nền tảng”

“Kiến thức cơ bản” cụ thể là cái gì? hiểu cách các vi mạch điện hoạt động rồi chạy code như thế nào? (học đại học ở Việt Nam cũng không giúp bạn hiểu cái này), hay hiểu cách đổi 8 bit thành 1 byte?

Hay kiến thức cơ bản là môn “cấu trúc dữ liệu giải thuật/toán rời rạc” học trên giấy trong 1 kỳ mà cứ ngỡ như không đi đại học thì không được học/ không học được? Có bao nhiêu kiến thức cơ bản ấy ở lại trong sinh viên sau 5 năm ra trường, học môn ấy từ năm thứ 2.

Có 2 cách tiếp cần vấn đề, từ dưới lên, hoặc từ trên xuống. Các trường đại học dạy theo kiểu từ dưới lên, đến lúc lên đến trên thì sinh viên đã quên hết cái bên dưới.

Các trung tâm thì sẽ dạy từ trên xuống, học cái làm được luôn, có gì không hiểu thì đào sâu, tìm hiểu thêm.

Đừng nghĩ biết code mấy cái thuật toán sắp xếp học ở trường mà hơn người ta gõ list.sort(), cái bạn học ở trường, lúc đi ra làm, đâu có dùng? Bạn có biết list.sort() của Python dùng thuật toán gì không?

Nếu bạn thuộc “on the top của hành tinh này”, thiết kế thuật toán sắp xếp phù hợp với bài toán cụ thể, rõ ràng bạn không phải đối tượng của bài viết này.

Sao bài này toàn ví dụ viện Toán Tin – Bách Khoa Hà Nội

Vì tác giả đã học ở đó. Bạn học khoa khác, cậu chuyện có thể khác.

Học xong có làm được cái này, cái kia không?

Vui lòng đọc kỹ trang chủ Pymi và CV mẫu của học viên (cũng có link trên trang chủ).

Nói tóm lại, người muốn, sẽ tìm cách, còn không muốn, sẽ tìm lý do.

Hành động của chúng ta (Action Item)

  • Tự hỏi xem học đại học để làm gì?
  • Ngừng huyễn hoặc bản về sự cao siêu của đại học, hay “chỉ học đại học mới được học”.
  • Hồi tưởng xem học đại học đã học được gì có ích? và viết 1 bài.
  • Tìm cái bằng đại học xem nó ở góc nào.

Kết luận

"Don't let schooling interfere with your education." - Mark Twain

Trượt đại học nó không khủng khiếp như trượt vỏ chuối. Có đau vì sức ép xã hội, chứ không lo đập đầu xuống đất mà mất trí.

Đứng dậy, cầm laptop lên và đi học Python tại PyMi.vn đi nhé.

Bài viết gốc được đăng tải tại pp.pymi.vn

Có thể bạn quan tâm:

Xem thêm Việc làm IT hấp dẫn tại TopDev