Tại sao phải tham gia phát triển open-source

2609

Tác giả: Đạt Cao Mạnh

Dạo quanh các trang/video nói về định hướng công việc của ngành IT cho các bạn mới ra trường ở Việt Nam. Mình thấy hầu hết con đường mà mọi người nói tới là

  1. Đi làm ở một công ty làm product hay outsource. Tích lũy đủ kinh nghiệm để lên các vị trí cao hơn.
  2. Tiếp tục học lên cao ở nước ngoài để kiếm các cơ hội làm việc quốc tế.
  3. Startup.

Mỗi hướng đi đều có cái thuận lợi và khó khăn nhất định, nhưng mình chưa thấy ai nói về việc làm các project mã nguồn mở như là một con đường để phát triển cả.

Mình hiện tại là commiter của Apache Solr và đã tham gia vào đóng góp cho project này được 5 năm. Hy vọng những thông tin dưới đây sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn còn đang băn khoăn phải chọn hướng đi nào.

Cơ hội công việc khi tham gia open-source

Năm 2014 sau khi sử dụng Apache Solr một thời gian mình có mày mò vào page này https://lucene.apache.org/whoweare.html. Đó là danh sách những người đã và đang tham gia vào phát triển Solr (được gọi là các commiter của project đó). Tra cứu tên của họ thì thấy rằng hầu hết mọi người đều đang làm việc ở một số công ty nhất định. Như là Lucidworks, Elastic, Cloudera, Apple. Tương tự với Apache Spark thì hầu hết đều đang làm ở Databricks.

Mình nhận ra rằng các project mã nguồn mở đều có một hoặc một vài công ty đứng sau nó. Giúp định hướng, tuyển dụng lập trình viên để tham gia phát triển các project đó.

Điều đáng lưu ý ở đây là bất cứ ai cũng có thể trở thành commiter mà không cần phải làm việc cho bất kì công ty nào. Miễn là bạn chứng tỏ được khả năng, thái độ và quyết tâm của mình cho project đó. Cần lưu ý commiter thì rất ít so với số người sử dụng. Ví dụ với Apache Spark có tất cả 75 commiters trong 5 năm phát triển của mình nhưng số người, cty sử dụng Spark thì có thể là vài nghìn đến vài chục nghìn. Điều đó khiến commiters sở hữu một giấy thông hành vô hình giúp gõ cửa vào tất cả các cty lớn. Đơn giản vì họ là những người hiểu rõ công nghệ ấy nhất, có khả năng mở source-code ra để tối ưu hay sửa lỗi khi có vấn đề nảy sinh.

Mình đã được nhận vào làm việc ở Lucidworks khi mới đang còn là contributor của Apache Solr (contributor là người có đóng góp cho project, nhưng chưa đủ để trở thành committer).

Có một chiến lược phổ biến là nộp CV cho càng nhiều cty càng tốt giúp làm tăng cơ hội kiếm việc. Nhưng nhược điểm của chiến lược này là khá tốn thời gian và bạn không biết team, project mình tham gia là gì, công việc thực tế có như những gì mình kỳ vọng hay không. Khi đóng góp cho một open-source project và sau đó apply vào cty đứng sau project đó, bạn gần như biết chắc chắn mình sẽ làm gì làm với ai. Điều thú vị ở đây là thay vì nhà tuyển dụng chọn bạn, bạn được chọn nhà tuyển dụng và project mà bạn ưu thích.

Những lợi ích khác khi tham gia làm open-source

Được đào tạo miễn phí

Mỗi khi tạo một PR (pull request) cho một project. Sẽ đều có một người của project đó review PR của bạn trước khi nó được merge. Họ sẽ nói lên những vấn đề trong PR của bạn đôi khi là cách họ sẽ giải quyết vấn đề này. Đa số những commiter đều là những lập trình viên tại các công ty lớn nên bạn sẽ được học hỏi rất nhiều từ họ.

Tất cả những đóng góp của đều là mở

Không giống như làm việc tại các dự án đóng nơi mà tất cả những đóng góp rất khó có thể chia sẻ ra bên ngoài (một số công ty còn bắt phải ký cam kết không chia sẻ). Ở những dự án mã nguồn mở, tất cả đều là mở, từ những trao đổi, tài liệu thiết kế, đến các commits.

Do đó sẽ rất dễ dàng cho nhà tuyển dụng có thể xem và kiểm chứng những gì bạn đã làm. Đây sẽ là những điểm cộng lớn trong CV của bạn.

Cơ hội làm việc remote

Các commiters của một project đa phần sẽ nằm rải rác trên khắp địa cầu. Nên hầu hết các cty đứng đằng sau các open-source project đều có chế độ làm việc từ xa. Đơn giản cty không thể gom tất cả các commiters nằm rải rác về một nơi được.

Sự tự do về nơi làm việc mang đến rất nhiều lợi ích như

  • được ở gần gia đình
  • không chịu cảnh tắc đường mỗi ngày
  • làm việc từ một nơi bạn thích như từ một quán cafe ở Đà Lạt chẳng hạn

Cơ hội được đi nước ngoài

Mình đã đi Mỹ chắc cũng phải khoảng 6,7 lần gì đó, Canada 1 lần để tham gia các cuộc hội thảo công nghệ và gặp mặt mọi người trong công ty.

Công ty mình cũng đã bảo lãnh để cả gia đình mình sang UK, nhưng sau một năm ở đó thì vì nhiều lý do mình lại quyết định về nước.

Trở thành commiter không khó

Mình sẽ viết chi tiết hơn về cách để trở thành commiter. Nhưng phải nhấn mạnh là điều đó không hề khó miễn là bạn phải có tính kỷ luật và tinh thần cầu thị.

Bài viết gốc được đăng tải tại Medium