Hãy mở chiếc smartphone của mình ra và các bạn đếm thử xem mình đang sử dụng bao nhiêu ứng dụng để phục vụ nhu cầu cá nhân của bản thân? Có thể bạn chưa để ý nhưng tất cả những ứng dụng đó đều là sản phẩm của lĩnh vực kỹ thuật phần mềm. Với sự phát triển không ngừng của các thiết bị điện tử ngày nay, ngành nghề này đang ngày một mở rộng và trở nên quen thuộc cũng như gần gũi với cuộc sống của chúng ta hơn bao giờ hết. Không phải ngẫu nhiên mà nó nằm trong top 5 chuyên ngành ‘nóng hổi’ nhất của ngành Công nghệ Thông tin. Ngoài ra bạn còn có nhiều cơ hội để thử sức ở các vị trí sở hữu mức lương khá hấp dẫn như: thiết kế và phát triển phần mềm, quản lý sản phẩm phần mềm, hỗ trợ phần mềm… Nếu các bạn đang là học sinh/ sinh viên sắp thi đại học và có ý định chọn sự nghiệp trong ngành công nghệ thông tin cho mình thì bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu hơn về chuyên ngành thời thượng này! Kỹ thuật phần mềm là gì? kỹ thuật phần mềm Ngành Kỹ thuật Phần mềm (Software Engineering) là một lĩnh vực chuyên về việc phát triển, thiết kế, triển khai và bảo trì các hệ thống phần mềm. Đây là một ngành quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, tập trung vào việc áp dụng các nguyên lý kỹ thuật và khoa học máy tính để tạo ra các sản phẩm phần mềm chất lượng cao, hiệu quả và đáng tin cậy đến tay người dùng cuối. Đối với những bạn thích lập trình thuần túy, thì đây là ngành rất phù hợp với bạn. ‘Phần mềm’, ‘chương trình’ hay ‘ứng dụng’ đều là các sản phẩm của việc lập trình. Là một ngành chuyên nghiên cứu về cách thức hoạt động, quy trình, testing của các phần mềm vi tính nhằm đáp ứng theo nhu cầu của người dùng và khách hàng. Và chắc bạn cũng biết, chúng ta sử dụng phần mềm mọi lúc mọi nơi: từ ứng dụng văn phòng cơ bản như Microsoft Word, Excel, Powerpoint đến trình duyệt web Chrome, Firefox, Safari hay Facebook, Google search cũng là 1 dạng của ứng dụng, đó là chưa kể các hệ điều hành phổ biến như Windows hay Linux cũng là nhờ nó thôi! Ngành này khá rộng nên ngoài các hướng đi phổ biến như thiết kế chương trình, ứng dụng, website thì lập trình game cũng là 1 hướng khác khá thú vị. Kỹ thuật phần mềm vs Khoa học máy tính - Nên chọn ngành nào/ Ngoài lập trình là chính thì kiến thức từ các lĩnh vực lân cận như kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính, quản lý, toán học, quản lý dự án, quản lý chất lượng, công thái học phần mềm và kỹ thuật hệ thống cũng rất cần thiết, tùy vào lộ trình của mỗi người. Nhưng đừng lo, các thầy cô sẽ dạy hết những môn này cho bạn trên ghế giảng đường. Có thể bạn quan tâm: Con gái nên học ngành nào của Công nghệ thông tin? Kỹ thuật phần mềm là một trong các ngành hot và có điểm xét tuyển cao nhất nhì hiện nay. Tham khảo ngay Điểm chuẩn ngành CNTT năm 2023 Học ngành Kỹ thuật phần mềm cần chuẩn bị gì? Toán, toán và rất nhiều kiến thức về toán. Cũng giống như hầu hết các môn hay ngành nào trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, các bạn đều phải hiểu rõ và áp dụng toán để giải quyết các vấn đề, bên cạnh đó việc học toán hiệu quả cũng sẽ giúp bộ não bạn rèn luyện tư duy tốt hơn. Tiếp theo cũng là 1 môn rất quen thuộc nhưng có lẽ không phải bạn học sinh theo ngành kỹ thuật nào cũng giỏi, đó là tiếng Anh. Thực sự tiếng Anh chuyên ngành CNTT ban đầu là 1 môn khó xơi, nhưng bạn nên tập làm quen dần và rèn dũa mỗi ngày. Để tiến xa với ngành thì bạn cũng nên có khả năng đọc hiểu tốt, vì hầu hết các tài liệu quan trọng của ngành CNTT đều được viết bằng tiếng Anh. Ở 1 số trường Đại học còn dạy thêm môn tiếng Nhật. Vì ngoài tiếng Anh thì đây cũng là 1 ngôn ngữ rất hữu ích cho công việc lập trình của bạn sau này. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là kỹ năng tự học, tự tìm tòi. Kiến thức trên giảng đường thường chỉ là phần thiết yếu, để các bạn hiểu rõ về nguyên lý cũng như cách vận hành. Công nghệ ngày nay luôn được cập nhật và cải tiến mỗi ngày, các thầy cô cũng không thể luôn chạy theo xu hướng mới nhất được mà các bạn phải tự tập làm điều đó. Tính tò mò và đam mê luôn là 1 lợi thế lớn. >> Đọc thêm: Không giỏi máy tính có học công nghệ thông tin được không? kỹ thuật phần mềm Ngành Kỹ thuật phần mềm học những gì? 2 năm đầu: Các bạn sẽ được làm quen dần với kiến thức nền tảng cho ngành Công nghệ Thông tin, mình xin liệt kê các môn quan trọng để các bạn chú ý nghiên cứu và học tập kỹ hơn như Toán rời rạc, Giải tích, Đại số tuyến tính, Xác suất thống kê, Vật lý Đại cương đối với các môn đại cương hay các môn chuyên ngành cũng quan trọng không kém như Nhập môn lập trình, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Lập trình hướng đối tượng, Cơ sở dữ liệu, Nhập môn công nghệ phần mềm. Đây đều là những môn căn bản bắt buộc để bạn học chuyên sâu sau này. 2 năm cuối: Đây là lúc bạn chọn hướng đi nghiên cứu chuyên sâu ngành cho mình, có 2 hướng là Phát triển phần mềm hay Lập trình game tùy vào sở thích và khả năng của bạn. Tham khảo các nhóm ngành Công nghệ thông tin khác Chương trình đào tạo của mảng Phát triển phần mềm 1. Kiến thức cơ bản Toán học ứng dụng: Giải tích, Đại số tuyến tính, Xác suất thống kê. Cơ sở dữ liệu: Nguyên lý cơ sở dữ liệu, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, Thiết kế cơ sở dữ liệu. Ngôn ngữ lập trình: C, C++, Java, Python. Cấu trúc dữ liệu và giải thuật: Các loại cấu trúc dữ liệu, thuật toán tìm kiếm và sắp xếp, độ phức tạp của thuật toán. 2. Kiến thức chuyên ngành Phân tích và thiết kế hệ thống: Mô hình hóa yêu cầu, Thiết kế phần mềm, Phương pháp phân tích và thiết kế hướng đối tượng. Phát triển phần mềm: Quy trình phát triển phần mềm, Phương pháp Agile, Scrum. Kiểm thử phần mềm: Kiểm thử đơn vị, Kiểm thử tích hợp, Kiểm thử hệ thống, Kiểm thử chấp nhận. Quản lý dự án phần mềm: Lập kế hoạch, Quản lý rủi ro, Quản lý chất lượng, Quản lý tài nguyên. 3. Kiến thức nâng cao và ứng dụng Công nghệ web: HTML, CSS, JavaScript, Frameworks như Angular, React. Phát triển ứng dụng di động: Android, iOS, Frameworks như React Native, Flutter. Bảo mật phần mềm: Các nguyên lý bảo mật, Mã hóa dữ liệu, Bảo mật mạng. Trí tuệ nhân tạo và học máy: Giới thiệu về AI, Machine Learning cơ bản, Ứng dụng AI trong phát triển phần mềm. Chương trình đào tạo của mảng Lập trình game 1. Kiến thức cơ bản Toán học ứng dụng: Giải tích, Đại số tuyến tính, Hình học không gian, Toán học cho đồ họa. Ngôn ngữ lập trình: C++, C#, Python. Cấu trúc dữ liệu và giải thuật: Cấu trúc dữ liệu tuyến tính, cây, đồ thị, thuật toán game. 2. Kiến thức chuyên ngành Nguyên lý phát triển game: Thiết kế game, Lập kế hoạch phát triển game, Quy trình sản xuất game. Đồ họa máy tính: Đồ họa 2D và 3D, Rendering, Shaders, OpenGL, DirectX. Lập trình game: Lập trình game 2D, Lập trình game 3D, Các engine game như Unity, Unreal Engine. Thiết kế nhân vật và môi trường: Mô hình hóa 3D, Texturing, Rigging, Animation. 3. Kiến thức nâng cao và ứng dụng Phát triển game đa nền tảng: Phát triển game cho PC, Console, Mobile. AI trong game: Trí tuệ nhân tạo cho game, Hành vi nhân vật, Học máy trong game. Âm thanh và nhạc nền: Thiết kế âm thanh, Nhạc nền cho game. Kiểm thử và tối ưu hóa game: Quy trình kiểm thử game, Tối ưu hóa hiệu suất game, Quản lý lỗi. >> Tham khảo chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tại trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM tại đây. Học công nghệ thông tin khó không? Những khó khăn khi học CNTT? Học ngành kỹ thuật phần mềm ra trường làm gì? Nhu cầu nhân lực cho ngành Kỹ thuật phần mềm là rất lớn, các bạn Kỹ sư phần mềm sau khi ra trường có thể làm việc được ngay trong các dự án vừa và lớn hoặc chọn việc tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ để theo con đường nghiên cứu. Các công việc cụ thể tiêu biểu có thể kể đến là kỹ sư phát triển phần mềm / game, kỹ sư kiểm thử phần mềm, kỹ sư phân tích và thiết kế phần mềm, kỹ sư bảo trì phần mềm cũng như các vị trí điều hành các cấp trong dự án. Tương ứng với các công việc trên bạn sẽ có cơ hội lớn làm ở các công ty chuyên về phát triển, thiết kế phần mềm / game; công ty tư vấn thiết kế giải pháp CNTT cho doanh nghiệp hay các cơ quan, đơn vị vận hành và phát triển ứng dụng của nhà nước. Nếu bạn đi theo hướng nghiên cứu thì các viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ lĩnh vực CNTT với vai trò là cán bộ nghiên cứu, ứng dụng CNTT hay trở thành các giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, trung cấp và dạy nghề đào tạo về ngành CNTT. kỹ thuật phần mềm Nhu cầu việc làm cao, mức lương hấp dẫn cũng như rất nhiều cơ hội làm tại các công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước là những mô tả thường thấy cho 1 người kỹ sư phần mềm. Đương nhiên thành công không phải ai cũng dễ dàng đạt được nếu như không chịu khó học hỏi, cố gắng và luôn ‘update’ bản thân. Nếu bạn yêu thích lập trình và có khả năng viết code tốt cùng nhiều ý tưởng thú vị cho các dự án của mình thì rõ ràng đây đúng là hướng đi tốt cho bạn đấy! Tham khảo thêm các vị trí tuyển dụng software developer hấp dẫn tại Topdev.