So sánh MySQL và MongoDB: Nên chọn CSDL nào?

835

MySQL MongoDB là hai hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu phổ biến được sử dụng rộng rãi hiện nay, đều có khả năng mang lại hiệu năng và khả năng quản trị tốt. Tuy nhiên mỗi hệ thống sẽ có những đặc điểm khác nhau và phụ thuộc vào trường hợp bài toán thực tế để sử dụng một cách hiệu quả. Để xác định xem dự án sắp tới của bạn cần sử dụng hệ thống nào thì trong bài viết này chúng ta cùng so sánh giữa MySQL và MongoDB nhé.

MySQL là gì?

So sánh MySQL và MongoDB

MySQL là một hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu (CSDL) quan hệ mã nguồn mở (RDBMS) đầy đủ tính năng thuộc sở hữu của Oracle. Dữ liệu trong MySQL được lưu trữ dưới dạng các bảng và sử dụng ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc (SQL) để thực hiện việc truy cập đến CSDL. MySQL được sử dụng cho việc lưu trữ các thông tin trên trang Web, tương thích với gần như tất cả các hệ điều hành (Windows, Linux, Unix,…) và hỗ trợ hầu hết các ngôn ngữ lập trình phổ biến (PHP, C, Java, JS,…).

MongoDB là gì?

MongoDB là gì?

MongoDB là một hệ thống CSDL phi quan hệ (NoSQL) mã nguồn mở được phát hành từ năm 2009. Dữ liệu trong MongoDB được lưu trữ dưới dạng tài liệu (document) JSON cho phép các ứng dụng lưu trữ và truy vấn một cách linh hoạt (không ràng buộc theo một ngôn ngữ truy vấn nào). MongoDB hiện nay cũng hỗ trợ hầu hết các ngôn ngữ lập trình phổ biến và được nhiều công ty lớn sử dụng như Facebook, Google hay Adobe,…

Điểm giống nhau giữa MySQL và MongoDB

Cả MySQL và MongoDB đều là các hệ thống quản trị CSDL phổ biến được sử dụng rộng rãi; chúng đều có sẵn các tính năng giúp người dùng thao tác và phân tích dữ liệu. Các tính năng, đặc điểm giống nhau mà cả 2 hệ thống này đều có hỗ trợ như:

  • Giấy phép mã nguồn mở: MySQL và MongoDB đều có giấy phép mã nguồn mở, chúng ta có thể tải xuống miễn phí để sử dụng, đồng thời có thể sửa đổi source code tùy theo nhu cầu sử dụng
  • Hỗ trợ lập chỉ mục (index): MySQL và MongoDB đều sử dụng lập chỉ mục để cải thiện tốc độ truy vấn và hiệu năng truy cập dữ liệu thường xuyên.
  • Hỗ trợ hầu hết các ngôn ngữ lập trình phổ biến: cả 2 nền tảng này đều tương thích với nhiều ngôn ngữ lập trình: Java, Python, PHP, C,…
  • Tính bảo mật cao: cả MySQL và MongoDB đều cho phép bạn thiết lập các cấp độ khác nhau cho quyền truy cập của người dùng. Để bảo vệ việc lưu trữ và thao tác với dữ liệu, mã hóa TLS/SSL được cả 2 hệ thống tích hợp sẵn.
  • Sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng: MySQl với lịch sử phát triển gần 30 năm tạo ra một cộng đồng lập trình viên sử dụng vô cùng lớn, đứng sau là hãng Oracle uy tín. MongoDB mặc dù ra mắt sau nhưng sự tích cực và sẵn sàng lắng nghe của đội ngũ support cũng được đánh giá rất cao. Bạn có thể dễ dàng tìm được sự trợ giúp trong quá trình sử dụng 2 hệ thống này. 

  So sánh RDBMS và NoSQL. Nên sử dụng loại CSDL nào cho dự án của bạn?

  MySQL so găng MariaDB, điểm khác biệt chính, ưu và nhược điểm

Điểm khác biệt giữa MySQL và MongoDB

Điểm khác biệt giữa MySQL và MongoDB

Chúng ta cùng xem xét sự khác biệt giữa 2 hệ thống này qua từng tiêu chí chính nhé:

Mô hình dữ liệu

MongoDB biểu thị dữ liệu dưới dạng tài liệu JSON, trong khi đó MySQL sử dụng các bảng bao gồm các hàng và cột để lưu trữ dữ liệu. Điều này dẫn đến sự khác nhau cơ bản giữa 2 nền tảng này khi bạn bắt đầu: với MySQL, bạn bắt buộc phải xác định lược đồ, cấu trúc, mô hình dữ liệu trước; ngược lại thì MongoDB không yêu cầu bạn xác định từ trước, có thể linh hoạt trong việc lưu trữ dữ liệu.

Mô hình dữ liệu

Các khái niệm giữa 2 hệ thống này gọi tên khác nhau nhưng cũng có sự tương đồng dựa theo mục đích sử dụng. Bạn có thể theo dõi hình trên để hiểu hơn các khái niệm trên nền tảng CSDL tương ứng.

Tham khảo việc làm MySQL hấp dẫn trên TopDev

Tính năng

Cả 2 hệ thống này đều cung cấp nhiều tính năng và chức năng từ đơn giản đến phức tạp. MongoDB được đánh giá cao hơn với nhiều tính năng liên quan đến việc phân tích dữ liệu, xử lý tìm kiếm nhiều mặt trên nhiều loại dữ liệu đa dạng. MongoDB cũng hỗ trợ mở rộng quy mô hệ thống dữ liệu theo chiều ngang thông qua Sharding (lưu trữ các bản ghi dữ liệu qua nhiều thiết bị) hay tính năng data locality giúp sắp xếp dữ liệu cho hệ thống phân tán một cách hiệu quả.

Điểm khác biệt giữa MySQL và MongoDB

Ngôn ngữ truy vấn

Cả MySQL và MongoDB đều có một ngôn ngữ truy vấn riêng: MySQL sử dụng ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc SQL; MongoDB sử dụng MQL- mặc dù là NoSQL nhưng nó cũng có đầy đủ các tính năng thao tác với dữ liệu như SQL. Một vài ví dụ sử dụng tương đương của 2 ngôn ngữ truy vấn này:

  • Thao tác truy cập dữ liệu:

MySQL: SELECT * FROM products

MongoDB: db.products.find()

  • Thao tác chèn, thêm mới:

MySQL: INSERT INTO products(id, name, amount)VALUES (‘001’, ‘Iphone 12’, 20)

MongoDB: db.products.insert({ id: ‘001’, name: ‘Iphone 12, amount: 20})

  • Thao tác chỉnh sửa, cập nhật:

MySQL: UPDATE users SET status = ‘C’ WHERE age > 25

MongoDB: db.users.update( { age: { $gt: 25 } }, { $set: { status: ‘C’ } }, { multi: true })

Hiệu suất

MySQL được thiết kế giúp thực hiện các thao tác ghép nối, làm việc giữa các bảng dữ liệu với hiệu năng cao; tuy nhiên điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến hiệu năng khi chèn, thêm mới, cập nhật dữ liệu. Ngược lại, MongoDB được thiết kế với mô hình dữ liệu phân cấp, thông tin được lưu trữ hầu hết ở một tài liệu duy nhất; điều này giúp hiệu suất chèn, thêm mới, thao tác với dữ liệu đơn trở nên nhanh vượt trội; nhưng lại không được tối ưu hóa cho các phép ghép nối dữ liệu từ nhiều tài liệu khác nhau.

Nên sử dụng MySQL hay MongoDB

MongoDB ra mắt sau nhưng thu hút được người dùng hiện nay với triết lý đơn giản và cởi mở và linh hoạt hơn. Cộng đồng lập trình viên cũng như đội ngũ hỗ trợ của MongoDB tỏ ra tích cực hơn so với tình trạng bế tắc trong việc cập nhật của MySQL. Mặc dù vậy, MySQL vẫn là một giải pháp tỏ ra phù hợp cho nhiều công ty trên toàn thế giới với bề dày lịch sử phát triển của mình.

Hãy lựa chọn MongoDB nếu bạn cần làm việc với lượng dữ liệu lớn và không có cấu trúc; hoặc bạn chưa thể xác định được cấu trúc dữ liệu của bạn và có định hướng cho các mục tiêu xa hơn trong tương lai. Ngược lại thì MySQL sẽ nên  lựa chọn nếu quy mô dữ liệu của bạn không quá lớn, có tính cấu trúc rõ ràng; sử dụng MySQL có thể mang lại khả năng bảo vệ dữ liệu đáng tin cậy, dễ quản lý và tính sẵn sàng cao hơn.

Kết bài

Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã có cái nhìn chi tiết hơn về 2 hệ thống quản trị CSDL phổ biến này. So sánh giữa MySQL và MongoDB trong từng trường hợp sử dụng cụ thể sẽ giúp bạn lựa chọn được công cụ phù hợp cho bài toán sắp tới của bản thân. Cảm ơn các bạn đã đọc bài và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình. 

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Xem thêm:

Xem thêm Việc làm IT cho các Developer hấp dẫn trên TopDev