Triển khai thực hiện các định hướng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, NHNN Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Về phía chính quyền thành phố với mục đích tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 của UBND TP. Hồ Chí Minh về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh. UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 593/KH-UBND ngày 28/2/2022 triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP.Hồ Chí Minh” và “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” năm 2022.

Bám sát các chủ trương về thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, NHNN thành phố đã triển khai đầy đủ, kịp thời đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Cụ thể, NHNN thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 80/Ctr-HCM về việc thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg; văn bản số 416/HCM-TH-KSNB về việc triển khai Chỉ thị 02/CT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; Tham mưu cho Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 4066/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh với tinh thần mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt ở tất cả các lĩnh vực trên toàn địa bàn thành phố.

Để các chính sách thanh toán không dùng tiền mặt được lan tỏa tới người dân, người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, NHNN thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố thực hiện tuyên truyền, quảng bá, vận động, hướng dẫn, giới thiệu về các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt là công tác phòng tránh rủi ro trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức tổ chức tuyên truyền các chương trình truyền thông giáo dục tài chính trên truyền hình như: “Tiền khéo tiền khôn” (VTV3), “Tay hòm chìa khóa” (VTV1), “Đồng tiền thông thái” (VTV1). Cử cán bộ trực tiếp đi thuyết trình tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống, ở các hội nghị ở các phường, xã do các quận, huyện tổ chức…

Bên cạnh đó, các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng chấp nhận thẻ, ví điện tử tại các điểm cung cấp dịch vụ; chú trọng ứng dụng công nghệ cao để phát triển và mở rộng các dịch vụ thanh toán hiện đại cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thanh toán.

Người dân và du khách tại ngày hội không dùng tiền mặt tại TP Hồ Chí Minh
Người dân và du khách tại ngày hội không dùng tiền mặt tại TP Hồ Chí Minh

Cần sự đồng hành 3 bên ngân hàng – chính quyền – người dân

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh phát triển các ứng dụng ngân hàng số với kênh thanh toán hiện đại, tiện ích đã thu hút được số đông khách hàng hưởng ứng sử dụng. Đến cuối tháng 8/2023 thanh toán điện tử tăng 139% so với cùng kỳ năm 2022…

Về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực công như y tế, giáo dục, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước… đã đạt được một số kết quả nổi bật. Hầu hết các trường công lập ở TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng theo 2 hình thức: đơn giản và hình thức cao. Hình thức đơn giản là phụ huynh chuyển khoản tiền đóng học phí vào tài khoản nhà trường. Hình thức này tuy không dùng tiền mặt, nhưng dễ bị nhầm số tài khoản khi nhập thủ công và khi phụ huynh quên không nhập tên học sinh và tên lớp sẽ rất khó khăn cho bộ phận kế toán của trường trong khâu đối soát.

Với hình thức cao, đóng học phí theo mã học sinh, có kết nối phần mềm thu học phí và phần mềm thanh toán. Hình thức thanh toán này ưu việt, không bị nhầm lẫn vì số tiền và tên học sinh, tên trường lớp đã hiển thị sẵn, phụ huynh chỉ cần xác nhận đồng ý là hoàn tất việc đóng học phí. Số lượng lớn các trường hiện nay thu học phí qua phần mềm SSC là Đề án thu học phí thanh toán không dùng tiền mặt của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh và đã triển khai đến 100% các trường phổ thông trung học thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Đối với phần mềm SSC phụ huynh học sinh có thể lựa chọn đóng học phí không dùng tiền mặt qua các kênh của một số ngân hàng như Sacombank, OCB, Agribank, VietinBank, VPBank; SaigonBank; bằng điện thoại di động qua các app ví MoMo, Payoo, ViettelPay…

Còn các trường học từ mầm non đến cấp 1, cấp 2 thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đã triển khai theo 2 hình thức trên.

Đối với lĩnh vực y tế, 100% các bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước… ở địa bàn thành phố, các công ty này đã có ý thức triển khai thanh toán không dùng tiền mặt từ nhiều năm. Đến nay ngành điện, nước đã không phải đi thu tiền mặt tại nhà dân. Người dân có nhiều quyền lựa chọn để thanh toán không dùng tiền mặt tiền điện, nước qua các ứng dụng ngân hàng số, ví điện tử, qua Mobile Money, ứng dụng của Tổng công ty điện lực TP.Hồ Chí Minh có kết nối thanh toán với các ngân hàng… Đối với người già cả không sử dụng được công nghệ để thanh toán cũng có thể đóng tiền điện, nước qua mã hóa đơn tại các của hàng tiện lợi gần nhà có ở khắp nơi trên địa bàn thành phố rất tiện lợi cho người dân.

Trong thời gian qua, các ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán đã tích cực phối hợp triển khai thanh toán thanh toán không dùng tiền mặt ở hầu hết các lĩnh vực như dịch vụ xe đạp công cộng nạp trả tiền bằng Ví momo, Zalopay và các loại thẻ ngân hàng; dịch vụ thu phí tàu thủy của Momo và Zalopay, người đi tàu có thể mua vé qua mạng và thanh toán bằng Ví Momo và Zalopay. Đối với dịch vụ xe buýt người dân có thể thanh toán không dùng tiền mặt do Napas triển khai khi đi 2 tuyến xe buýt DL01 và DL02 là tuyến xe du lịch vòng quanh khu vực trung tâm thành phố.

100% các bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt
100% các bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Đặc biệt kể từ khi có Kế hoạch số 4066/KH-UBND ngày 02/11/2022 của UBND TP.Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các quận, huyện đã xây dựng Kế hoạch triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay các quận, huyện đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống theo chủ trương chợ 4.0, ở khu phố thương mại, phố ẩm thực, sự kiện, lễ hội…

Với sự ứng dụng công nghệ trong thanh toán, ngành Ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán ở Việt Nam hiện đã cung ứng nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng các ứng dụng ngân hàng số, ứng dụng ví điện tử, Mobile Money trên các thiết bị di động, rất tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên mức độ sử dụng của người dân hiện nay chưa đạt kỳ vọng.

Do đó, trong thời gian tới rất cần sự đồng hành của 3 bên: Ngân hàng (cung ứng dịch vụ) – chính quyền (phối hợp tổ chức triển khai xuống tận phường, xã) – người dân (hưởng ứng sử dụng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm đối với thành phố và quốc gia). Có như vậy, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mới đẩy nhanh và lan tỏa rộng hơn so với hiện nay, góp phần không nhỏ trong việc đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh – hiện đại – nghĩa tình, xứng đáng là đầu tàu của cả nước.

Theo Thời báo Ngân hàng (16/10/2023)