Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của ứng dụng học máy và công nghệ dữ liệu lớn, đưa công nghệ này lên một bước phát triển mới.
Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ với con người. Hầu hết mọi hoạt động cuộc sống đều có bóng dáng của công nghệ này.
Gần 77% thiết bị ngày nay sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo ở dạng này hay dạng khác. Sẽ có nhiều trợ lý trí tuệ nhân tạo hơn số người trên thế giới này, dự báo sẽ có 8,4 tỷ trợ lý giọng nói kỹ thuật số được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo trên thế giới vào năm tới, lớn hơn dân số toàn cầu.
Theo ước tính, quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt 407 tỷ USD vào năm 2027. Mức tăng trưởng hàng năm dự báo lên tới 37% trong gian đoạn từ nay đến năm 2030.
Trí tuệ nhân tạo nói chung và sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo tạo sinh nói riêng đã và đang mang lại sự tiện nghi và những giá trị to lớn cho con người.
Lợi ích từ trí tuệ nhân tạo
Một bản nhạc giao hưởng thính phòng hay một bản thu âm hiện đại cho tới những bức tranh nghệ thuật và thậm chí là cả một Giám đốc điều hành… Tất cả đều do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đảm nhận.
Với khả năng học máy, nguồn dữ liệu đầu vào phong phú, công nghệ AI đang cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, vượt xa khả năng tưởng tưởng của con người chỉ trong một thời gian ngắn, đem lại nhiều lợi ích.
AI giúp tăng năng suất và hiệu quả trong nhiều ngành công nghiệp bằng cách tự động hóa quy trình, tối ưu hóa sản xuất, tăng cường khả năng phân tích dữ liệu lớn, thúc đẩy các mô hình, thuật toán dự đoán, giúp đưa ra các quyết định dựa trên các thông tin có cơ sở.
AI đóng vai trò quan trọng trong phát triển hệ thống giao thông thông minh, các sản phẩm phương tiện tự lái, góp phần giúp giảm tai nạn giao thông, tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Công nghệ AI hỗ trợ cải thiện các phương pháp chẩn đoán bệnh, theo dõi sức khỏe, dự đoán các tình trạng bệnh tốt hơn thông qua phân tích dữ liệu y tế.
AI hiện hữu trong hầu hết đời sống con người, từ sinh hoạt tới sản xuất, giáo dục, nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật… AI giúp con người tối ưu hóa hoạt động, tăng hiệu suất, giảm nhân lực. Sự bùng nổ của AI đã và đang cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của ứng dụng học máy và công nghệ dữ liệu lớn, đẩy trí tuệ nhân tạo lên một bước phát triển mới.
Thách thức đi kèm với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo
Rõ ràng những lợi ích của trí tuệ nhân tạo là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít các thách thức.
Chỉ với vài động tác đơn giản, ai cũng có thể tạo ra nội dung giả mạo dựa trên công nghệ Deepfake. Đây cũng là công nghệ mà nhiều đối tượng sử dụng để giả danh công an, lừa đảo người dân thời gian qua.
Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra các lo ngại về hoạt động lừa đảo công nghệ cao, vi phạm quyền riêng tư, gia tăng khoảng cách giàu nghèo hay thậm chí là tạo ra các nội dung phân biệt chủng tộc, kích động bạo lực, gia tăng chạy đua.
Những thách thức từ trí tuệ nhân tạo đang thôi thúc các nước phải tìm các giải pháp quản trị phù hợp. Hiện tại, các nước có các cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này. Một số nước cho rằng, cần quản lý chặt để không tạo ra các nguy cơ, một số khác lại nhấn mạnh, sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn là trách nhiệm của các công ty công nghệ và việc quản trị phải đảm bảo không cản trở tiến bộ khoa học.
Tìm giải pháp quản trị tích cực đối với trí tuệ nhân tạo
Tiến sĩ Sơn Phạm – Giám đốc điều hành Công ty BioTuring – cho rằng: “Với tốc độ phát triển vượt bậc như thế này, tôi nghĩ là rất khó có một chính phủ nào có thể bắt kịp được với tốc độ phát triển.Tôi nghĩ cần có một tổ chức quốc tế để đưa ra những hướng dẫn cơ bản nhằm đảm bảo được rằng sự phát triển của AI không đi ngược lại với lợi ích của con người”.
Ông Trần Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ – cho biết: “Cách tiếp cận như tôi đề cập là tận dụng tối đa quy định pháp lý hiện hành để thúc đẩy ứng dụng AI, đồng thời nếu như phát sinh những vấn đề mới thì hiện nay chúng ta sẽ tiếp cận theo hướng là sẽ tạo ra những cái gọi là cơ chế thử nghiệm Sandbox. Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay đang phối hợp với phía Australia cùng với Đại học Luật thực hiện những cái nghiên cứu nhằm đưa ra những đề xuất, những công cụ thực hành để làm sao mình có thể tạo ra những sản phẩm AI có trách nhiệm trong các lĩnh vực”.
Chiến lược phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo của Mỹ
Bên cạnh câu chuyện về quản trị trí tuệ nhân tạo, các nước cũng đang đẩy nhanh đầu tư, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nhân sự nhằm duy trì vị thế trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Mỹ là một trong các nước có những chiến lược rất sớm trong vấn đề này. Một chiến lược quốc gia đã được đưa ra vào năm 2016 với tên gọi Kế hoạch chiến lược quốc gia về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, cập nhật năm 2019 và tháng 5 năm nay. Đi kèm với đó là các khoản chi phí lớn dành cho nghiên cứu và phát triển. Theo thống kê, riêng năm 2022, chính phủ Mỹ đã chi 3,3 tỷ USD vào các hợp đồng phát triển trí tuệ nhân tạo.
Giới chuyên môn cho rằng, nguồn lực tài chính đã góp phần đẩy nhanh hơn quá trình nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm.
Mỹ cũng đang tạo ra những ảnh hưởng thông qua trí tuệ nhân tạo. Ví dụ như tại Tuần lễ cấp cao Liên hợp quốc, Mỹ cam kết dành ra 15 triệu USD để thúc đẩy việc sử dụng và quản lý trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi các quốc gia tận dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách giữa các nước.
Không những thế, các công ty tư nhân cũng vào cuộc. Từ Google, OpenAI, IBM, Microsoft… cho tới Amazon cũng cam kết tài trợ về tài chính và học bổng cho các quốc gia trong khuân khổ thúc đẩy phát triển AI, đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Việt Nam cũng xác định công nghệ trí tuệ nhân tạo là một trong các lĩnh vực quan trọng trong tương lai gần. Các nước, tổ chức quốc tế cũng đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, đi đầu khu vực về công nghệ trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạ đến năm 2030. Yêu cầu đặt ra cho ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo Việt Nam là phải tăng tốc nắm bắt cơ hội để tạo đột phá trong công cuộc chuyển đổi số, bứt phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững.
Một trợ lý ảo thông minh có thể thay thế cho hàng nghìn tổng đài viên giải đáp các thắc mắc trong hành chính công, y tế, giáo dục cho đến văn hóa, xã hội… và tiến tới là hỗ trợ riêng cho từng cá nhân. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phân tích dữ liệu là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng.
Ông Nguyễn Tiến Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn VNPT -cho rằng: “Muốn giải quyết những bài toán của Việt Nam thì bắt buộc phải có những dữ liệu riêng của Việt Nam. Bạn không thể mang một mô hình ở nước ngoài về áp dụng trực tiếp ngay tại Việt Nam. AI cần phải được học hỏi từ chính dữ liệu của người Việt Nam. Nút thắt ở đây chính là ở mặt dữ liệu. Ngoài ra, chúng ta còn phải đẩy mạnh hơn về mặt hạ tầng. Có một hạ tầng đủ lớn thì chúng ta có thể đẩy nhanh hơn việc làm chủ công nghệ”.
Để một doanh nghiệp công nghệ phát triển về AI, cần 4 trụ cột là con người, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, chiến lược đầu tư dài hạn. Dữ liệu cần phải đủ lớn, được gắn nhãn, dễ dàng tiếp cận và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo cần vừa đáp ứng về chất lượng, vừa đủ số lượng
TS. Bùi Hải Hưng – Tổng Giám đốc VinAI – nhận định: “Tất nhiên là khả năng thành công sẽ khó vì chúng ta sẽ có rất nhiều sự cạnh tranh đến từ tất cả các công ty khác ở trên thế giới. Nhưng nếu chúng ta thành công thì giá trị mang lại thực sự là lớn”.
Để phát huy hiệu quả, AI cần phải được tích hợp vào các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ số cụ thể để cung cấp, mang lại giá trị cho các doanh nghiệp và người dân. Đây sẽ là những giải pháp phù hợp với bài toán của Việt Nam, trong lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu.
PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cho rằng: “Chúng ta tập trung vào các dữ liệu của các ngành cụ thể của thị trường Việt Nam sẽ tốt hơn và những dữ liệu như vậy cũng không cần quá lớn, hạ tầng tính toán cũng không cần quá lớn để thực hiện. Cách tiếp cận của chúng ta nên như vậy thì sẽ phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta trong giai đoạn hiện nay”.
Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã đầu tư xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển AI, thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới đến làm việc. Nhưng cuộc chơi không chỉ dành cho các ông lớn, các công ty cũng áp dụng công nghệ AI trong các sản phẩm, dịch vụ mới, tạo đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam.
Rõ ràng là Việt Nam có lợi thế để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nhưng đồng thời sẽ có rất nhiều việc phải làm để thực sự đón đầu làn sóng công nghệ này, đó là việc tiếp tục hoàn thiện các thể chế, quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh, quản lý phù hợp; là những chiến lược cụ thể trong đào tạo nhân sự, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp; là việc nâng cao nhận thức chung của người dân về trí tuệ nhân tạo, nhất là nhận diện những thách thức tiềm tàng từ công nghệ này để giúp đảm bảo an toàn, phát triển công nghệ trong kiểm soát.